Doanh nghiệp bất động sản tăng tính cạnh tranh nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số tiếp tục được đánh giá là “phao cứu sinh”, là chìa khóa mở cánh cửa thời kỳ mới phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp, trong đó có bất động sản.
Một số liệu thống kê cho thấy, có tới 76% doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19 theo các mức độ, do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là chìa khóa duy nhất giúp họ vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng sau khi Covid-19 đi qua.
Đơn cử, một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, có đến 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ Covid-19 đã áp dụng chuyển đổi số, xây dựng một nền tảng kinh doanh bất động sản hiện đại bằng sự kết hợp giữa công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI).
Kết quả, có 250.000 lượt truy cập mỗi tháng, 4.977 giao dịch thành công tính đến tháng 8 năm 2020 (tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng); biên lợi nhuận gộp đạt 41%, cao hơn so với mức 33% của năm 2019 nhờ tiết giảm chi phí, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong mùa dịch.
Hệ sinh thái số đang có những tác động đáng ngạc nhiên đến các nhà kinh doanh bất động sản. Đây cũng được xem là công cụ để định vị thương hiệu một cách tốt nhất cho các các doanh nghiệp. Đồng thời hướng đến mục tiêu đưa thị trường bất động sản minh bạch hơn về thông tin, hoạt động tiết kiệm hơn về chi phí và thời gian giao dịch.
Nhiều chủ đầu tư đã áp dụng các công nghệ mới như BIM (Building Information Modelling), trong thiết kế - thi công, công nghệ 3D trong xây dựng. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư đã phân loại, sắp xếp sản phẩm, trong đó có việc dùng máy bay không người lái – drones để thu thập hình ảnh sống động. Với các công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality), thực tế ảo (virtual reality) người mua có thể xem bất động sản mà không cần đến trực tiếp.
Chia sẻ tại một hội thảo về chủ đề “Bất động sản chuyển đổi số nhanh – Kiến tạo tương lai” diễn ra mới đây, các chuyên gia nhìn nhận, thị trường hiện nay đặt dưới góc nhìn công nghệ thì không còn khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” nữa mà là “cá nhanh ăn cá chậm”. Các doanh nghiệp muốn nhanh và đột phá chỉ có công nghệ. Đặc biệt trong thời kỳ “bình thường mới”, việc thay đổi để thích ứng là là yếu tố mang tính sống còn. Hiện nay, mức độ thành công của các doanh nghiệp bất động sản đang phần nào thể hiện qua tốc độ chuyển đổi số và số hóa hệ sinh thái kinh doanh.
“Mô hình kinh doanh truyền thống đang bị cạnh tranh bởi chuyển đổi số. Theo thống kê có 68 triệu người đang dùng internet, dự báo đến năm 2023 con số này là 75 triệu người. Trong đó 90% dùng internet đều xài điện thoại di động. Công nghệ đang hình thành rõ nét trong cuộc sống con người, kinh tế theo nhu cầu, hoạt động kinh doanh bất động sản…”, ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập hệ sinh thái Houze cho hay.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, các hình thái kinh tế hiện nay đã thay đổi rất nhiều, nếu các doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh tốc độ số hóa mô hình kinh doanh sẽ có rất nhiều lợi ích.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ thấy rõ việc giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80% theo Mckinsey & Co) và tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác… Đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như công nghệ bất động sản (Proptech), kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, phân tích dữ liệu, công nghệ tài chính (Fintech) trong bất động sản.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, nếu chuyển đổi số nhanh thì cơ hội đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (mô hình dịch vụ số, bất động sản thông minh)…
“Ngân hàng hiện nay đã bắt đầu bắt tay với công ty Fintech để tạo nên hệ sinh thái kinh doanh tiền tệ của mình thì bất động sản không còn con đường nào khác là phải tích hợp Proptech”, ông Lực cho hay.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng chỉ ra những thách thức đối với việc chuyển đổi số nhanh với các doanh nghiệp bất động sản. Đơn cử như, điều này thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh. Ngoài ra, do hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian nên sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sẽ tinh vi và khốc liệt hơn.
Mặt khác, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là nguồn nhân lực có nền tảng về công nghệ đang tương đối thấp, nếu giải quyết được bài toán này thì doanh nghiệp mới có thể tăng lợi thế cạnh tranh.
Các chuyên gia cũng nhận định, yếu tố công nghệ đang dần dần làm thay đổi cách thức hoạt động của ngành bất động sản, từ việc tự động hoá về số liệu báo cáo cho đến quản lý và phân tích dữ liệu để tiếp cận đúng khách hàng. Tuy nhiên, để công nghệ thực sự tiếp cận và phát huy hiệu quả với nhóm khách hàng tiềm năng nhất trên thị trường bất động sản vẫn là một hành trình dài, bởi đa số khách hàng vẫn ưu tiên hình thức gặp mặt trực tiếp, tận mắt xem sản phẩm bất động sản, sau đó mới đưa ra quyết định xuống tiền.
Chính vì vậy, Covid-19 được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp tăng tốc ứng dụng công nghệ, từng bước thay đổi thói quen khách hàng.