Ráo riết thi công tuyến đường hơn 2.000 tỷ kết nối tỉnh nằm ở 'ngã ba sông' với tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc
Hiện tại, tuyến đường đã hoàn thành hơn 95% tiến độ và đang được chờ đợi thông xe sớm.
Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong khi đó, Yên Bái có vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Tuy nhiên, 2 tỉnh này chỉ có 1 con đường chính duy nhất là cao tốc Nội Bài - Lào Cai với lưu lượng xe cộ luôn đông đúc. Chính vì vậy, dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái đã được phê duyệt đầu tư và khởi công ngày 1/12/2021.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, do Sở GTVT tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư. Con đường dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2024, được thiết kế theo quy mô đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h với tổng chiều dài gần 54km, đi qua 23 xã thuộc 3 huyện: Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa.
Toàn tuyến có tổng chiều dài hơn 50km. Trong đó, khoảng 16km được nâng cấp, cải tạo từ các tuyến đường tỉnh, đường tránh lũ quy mô nhỏ, còn lại là đường mới, chủ yếu đi qua đồi thấp, ruộng nương, tránh khu dân cư. Toàn tuyến có khoảng 10 cây cầu được xây dựng và hơn 100 điểm giao cắt.
Khi tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua các tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ như: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32, Quốc lộ 32C, cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tuyến đường còn được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Yên Bái. Giúp người dân 2 tỉnh đi lại thuận tiện, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuyến đường này một bên là núi cao sừng sững, một bên là vực thoải thăm thẳm vì vậy rất dễ bị sạt lở khi gặp điều kiện thời tiết xấu. Để ngăn sạt lở đất, đơn vị thi công gia cố mái taluy bên vách núi, đồng thời bố trí hệ thống thoát nước trên sườn dốc và mặt đường.
Hiện tại, theo ghi nhận của báo Giao Thông, tuyến đường này đã hoàn thành trên 95%, sẵn sàng thông xe toàn tuyến. Phần hộ lan hai bên đường được làm chắc chắn nhưng chưa được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng.
Hiện đoạn từ Km0+00-Km2+450, nhà thầu đã và đang triển khai thi công nền đường được 1,89/2,45km. Đoạn từ Km2+450 đến cuối tuyến và 1,23km đoạn vuốt nhánh rẽ cơ bản thông tuyến và người dân đã có thể đi vào.
Như vậy, tổng cộng đã có 24/53km tuyến được bàn giao đưa vào vận hành khai thác. 29km còn lại tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện các thủ tục để bàn giao.