Rớt gối dầm cầu tuyến metro số 1: Sắp có kết luận...

Gối cao su tuyến metro số 1 gặp sự cố mang tính đồng bộ hay không phải có sự tính toán cụ thể dựa trên thực tế thi công hiện trường.

Ngày 15/1/2021, trao đổi với Đất Việt, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP. HCM, thành viên tổ kiểm tra độc lập tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, các thành viên trong tổ đang tiến hành đánh giá một cách toàn diện về sự cố rớt gối cao su dựa trên những chứng cứ thu thập được trong quá trình kiểm tra để đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo ông Trường, khoảng 2 tuần nữa sẽ có kết quả và được đại diện tổ kiệm tra công bố chính thức trước dư luận.

"Các nhà khoa học đang rất thận trọng để xác định nguyên nhân không phải đồng bộ, nhiều hay chỉ là nguyên nhân đột xuất? Để xem chỉ có một gối cầu ở một trụ, mà một trụ có hai gối hai bên, một gối rớt có thể đột xuất, cá biệt thôi. Cho nên phải đánh giá như thể mới công bằng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhà thầu" - ông Trường cho biết.

Cũng trong ngày 15/1/2021, PGS.TS Trần Hữu Độ, giảng viên trường Đại học GTVT bày tỏ, việc liên tiếp xảy ra sự cố gối cao su trên tuyến metro số 1 khiến cho những lo ngại của ông về chất lượng hạng mục này của dự án là hoàn toàn có cơ sở.

Rớt gối dầm cầu tuyến metro số 1: Sắp có kết luận... - Ảnh 1
Vị trí gối cao su tuyến metro số 1 bị phát hiện có sự cố vào cuối tháng 10/2020.

Ông Độ nhắc lại, vào cuối tháng 10/2020, khi gối cao su tuyến metro số 1 lần đầu tiên bị lệch, ông đã nhận định rằng có thể đến từ việc bê tông bị co ngót hoặc chính bản thân chất lượng gối cao su có vấn đề.

"Như vậy ở đây không có yếu tố khách quan nữa mà có thể là đến từ chất lượng các hạng mục của công trình. Trước khi thi công, các chuyên gia phải tính toán được những tác động về ngoại quan có thể xảy ra để đưa ra phương án thi công chính xác, vật liệu phù hợp. Dẫu có sai số nhưng không để xảy ra sự cố lớn được" - ông Độ bày tỏ.

Nói về sự cố rớt gối cao su tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TS Phạm Văn Phê - Khoa Công trình, Đại học GTVT cũng cho rằng, trước hết phải đánh giá nguyên nhân khiến gối cao su bị rơi khỏi dầm cầu cạn. Để nhận định được điều này cần lập hội đồng đánh giá nguyên nhân, chạy mô phỏng, phân tích các vật liệu…

Đối với vết nứt bê tông đệm đường ray, theo ông, phải xem xét vết đó là nứt chịu lực hay nứt cục bộ. Bản chất bê tông là vật liệu không chịu được lực kéo.

Khi qua kiểm tra, các thông số vẫn đảm bảo khả năng chịu lực thì vẫn có thể khai thác bình thường hoặc có một số giải pháp gia cường. Việt Nam có nhiều công nghệ sửa chữa vấn đề này.

Được biết, các chuyên gia của Việt Nam đã phát hiện tới 2 vị trí rớt gối cao su trên tuyến metro số 1. Gối cao su được xác định là phần đệm ở giữa dầm và trụ cầu, có tác dụng làm giảm trọng lực và tăng độ đàn hồi.

Có 2 loại gối cố định và di động. Trong khi gối cố định được neo cố định vào xà mũ trụ cầu bên dưới thì gối di động cho phép lăn trượt.

Với gối cao su, gối này biến dạng qua lại theo hình bình hành để dầm trượt, co giãn theo thanh dọc. Tuy nhiên, mức độ trượt cực kỳ nhỏ nên khó có thể đẩy gối dầm rơi ra khỏi đá kê.

Trước sự cố này, phía Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM đã yêu cầu phía tổng thầu kiểm tra nhưng gần 3 tháng qua vẫn chưa có báo cáo chính thức về nguyên nhân sự cố.

 

Ngọc Minh

Theo Báo Đất Việt