Rút chân cuối phiên, VN-Index kết phiên dập dình quanh tham chiếu
Lực cầu về gần cuối phiên đã giúp cho nhiều cổ phiếu phục hồi và thu hẹp đà giảm của VN-Index về sát mốc tham chiếu.
Mở cửa với sắc xanh le lói từ đầu phiên, tuy nhiên VN-Index liên tục chịu áp lực bán mạnh ngay sau đó đã khiến cho chỉ số chung một lần nữa đảo chiều giảm về khu vực 1.200.
Tâm lý thận trọng trước diễn biến rung lắc, không rõ xu hướng của thị trường đã khiến cho thanh khoản bán chủ động gia tăng và chiếm đến gần 60% tổng thanh khoản thị trường trong phiên giao dịch sáng.
Sự phân hóa vẫn được thể hiện khá rõ ràng trong phiên chiều khi lực cầu vẫn tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ và nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu phân đạm vẫn duy trì mức tăng gần 1%. Thanh khoản mua chủ động gia tăng về gần cuối phiên đã giúp cho thị trường thu hẹp đà giảm về sát mốc tham chiếu.
Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm trừ trong phiên giao dịch khi liên tục bán ròng với tổng thanh khoản 390 tỷ đồng, tập trung bán HPG, STB, HCM. Kết phiên, VN-Index giảm 0,31 điểm, tương đương với 0,03%, xuống 1.211,5. Tương tự VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 250,22, giảm 0,26 điểm.
Phiên hôm nay, ghi nhận 255 mã tăng, 66 mã tham chiếu và 244 mã giảm. Trong đó nhiều nhóm ngành đóng góp tích cực lên chỉ số như: thép (HPG, HSG, NKG, …), công nghệ (FPT, CTR,…), hóa chất (DGC, CSV, DPM, DCM,…), cảng biển (HAH, GMD,…), chứng khoán (VND, SSI, MBS,...) góp phần nâng đỡ chỉ số không giảm quá sâu.
Ở chiều ngược lại, một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành riêng lẻ là nhân tố tác động tiêu cực nhất lên chỉ số như: VIC, VCB, BID, SAB, VPB, NVL,… Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị hơn 375 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán ròng ở các mã: HPG (139 tỷ đồng), STB (69 tỷ đồng), HCM (66 tỷ đồng),… Ngược lại, mua ròng ở các mã: PDR (63 tỷ đồng), DXG (20 tỷ đồng), VIX (16 tỷ đồng),…
Đồ thị kỹ thuật (chart ngày). (Nguồn: FireAnt) |
Về góc nhìn kỹ thuật, lực cầu xuất hiện tại vùng điểm 1.200 đã giúp VN-Index hình thành nến tương tự nến hammer.
Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã có tín hiệu tạo đáy đầu tiên cho thấy dòng tiền bắt đáy đã tham gia lại thị trường nhưng chưa thể khẳng định thị trường đã lấy lại được điểm cân bằng.
Các chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên giải ngân lướt sóng bắt đáy với tỉ trọng nhỏ từ 10 - 20% tài khoản đối với các nhóm ngành có tín hiệu thu hút dòng tiền như phân đạm, thép, chứng khoán tại vùng hỗ trợ và vẫn ưu tiên việc thu gọn danh mục, quản trị rủi ro tài khoản trong các nhịp điều chỉnh./.