Sai phạm cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Khó xử vì sao?

7/7 gói thầu không bảo đảm chất lượng, nhưng lại không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự do dự án bị chia nhỏ, bán thầu.

Trong kết luận sai phạm tại 7/7 gói thầu giai đoạn 1 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ quan công an điều tra cũng chỉ ra hàng loạt các ông lớn tham gia dự án như: Cienco 1, 4, 5, 6 và 8, Sông Đà, doanh nghiệp nước ngoài...

Thế nhưng, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân đại diện cho các "ông lớn" ký hợp đồng tham gia thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Lý do, sau khi trúng thầu, các cá nhân là đại diện pháp luật của các Nhà thầu thi công đã thành lập Ban điều hành liên danh, cử các lãnh đạo, cán bộ thuộc đơn vị mình làm đại diện Nhà thầu trực tiếp tổ chức thi công, nghiệm thu tại hiện trường dự án và chịu trách nhiệm về chất lượng hạng mục, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành. Quá trình điều tra không phát hiện tài liệu, chứng cứ về việc sai phạm, do vậy không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên.

Sai phạm cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Khó xử vì sao? - Ảnh 1
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thời điểm bị xuống cấp.

Trả lời cho câu hỏi vì sao cả 7/7 dự án tại cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng do các ông lớn trúng thầu nhưng đều có sai phạm, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, theo nguyên tắc kinh tế thị trường các nhà đầu tư luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Vì điều này, nhiều ông lớn sau khi nhận được các gói thầu đã tìm cách lách luật, chia nhỏ gói thầu, bán thầu để thu về lợi nhuận cao nhất. Khi không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến những sai phạm xảy ra. Do đó, vị ĐB yêu cầu các cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không hiện tượng nhận thầu rồi chia nhỏ, bán thầu tại các dự án cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng? Việc chia nhỏ, bán thầu các dự án có đúng quy định không? Nếu không phải xử lý như thế nào?

Về các biện pháp ngăn chặn, xử lý lâu dài, ông Nhường cho rằng phải siết chặt khâu thiết kế dự án ngay từ ban đầu, trên cơ sở đó sẽ thực hiện giám sát, quản lý nghiêm ngặt trong suốt quá trình tổ chức đấu thầu cho tới khi tổ chức triển khai thực hiện dự án.

"Việc này cũng bảo đảm cho quá trình xử lý, truy trách nhiệm rõ ràng, dễ dàng hơn", ông Nhường nói.

Bình luận thêm về hiện tượng lách luật, chia nhỏ dự án xây dựng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, đó là cách giúp các nhà thầu thu lợi nhiều nhất cho mình.

"Với những gói thầu dự án lớn, nhiều nhà thầu nhỏ không có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm không thể tham gia dự thầu thực hiện dự án. Thông qua hình thức liên danh, liên kết với các nhà thầu lớn, các nhà thầu nhỏ sẽ dễ dàng được chia lại các gói thầu nhỏ mà không gặp phải khó khăn về tiêu chuẩn cũng như điều kiện thi công.

Trong khi đó, các ông lớn mượn danh uy tín, năng lực của mình đứng ra nhận thầu sau đó sẽ bán lại dự án theo hình thức chia nhỏ các gói thầu cho nhiều nhà thầu thi công. Với cách làm như vậy, các ông lớn không cần phải làm gì mà vẫn được hưởng chênh lợi từ việc bán lại các dự án cho nhà thầu nhỏ.

Đáng nói, khi thực hiện bán lại các dự án thành phần thì vấn đề cam kết về chất lượng cũng như trách nhiệm lại không được quy định rõ ràng, hoặc bị đẩy hết cho đơn vị liên danh khiến việc xử lý trách nhiệm gặp nhiều khó khăn, công tác khắc phục, bồi thường cũng khó thực hiện được do các đơn vị liên danh cũng không đủ tiềm năng, năng lực tài chính để bồi thường", vị chuyên gia giải thích.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng đây là kẽ hở lớn trong công tác quản lý, giám sát các nhà thầu thi công dự án, công trình giao thông nói chung. Mặc dù vậy, vị chuyên gia vẫn khẳng định hoàn toàn có cơ sở để xử lý với những trường hợp sai phạm tại dự án này.

"Trên thực tế, pháp luật đã quy định rất rõ, những nhà thầu khi tham gia đấu thầu phải công bố, công khai những đơn vị doanh nghiệp liên danh, liên kết cùng thực hiện dự án. Nếu trong hồ sơ đấu thầu không đề cập tới việc này, sau khi trúng thầu các nhà thầu không được quyền chia nhỏ dự án, mời các nhà thầu khác vào thi công dự án dưới mọi hình thức.

Trong trường hợp, nhà thầu chính không công bố danh sách đơn vị liên danh mà vẫn để các nhà thầu liên danh tham gia dự án thì nhà thầu chính (người bán dự án) phải chịu trách nhiệm trước hết. Đó là hành vi không thực hiện đúng cam kết, làm sai lệch hồ sơ dự thầu, tự ý bán thầu dự án... tùy mức độ sai phạm, cơ quan công an sẽ xem xét hình thức xử lý, kể cả việc truy tố hình sự.

Ở Việt Nam hiện nay, quy định không được chia nhỏ gói thầu đã được quy định rất rõ trong luật và mới được Bộ Công an nhắc lại sau vụ việc này. Vậy thì cơ quan điều tra cần làm rõ thêm dự án này có dấu hiệu bị bán thầu không? Việc bán thầu này có nằm trong cam kết hợp đồng đấu thầu không? Nếu không, đơn vị bán thầu chính là đơn vị làm sai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Từ những dấu hiệu rất cụ thể như vậy, tôi tin cơ quan công an sẽ làm rõ được những sai phạm liên quan", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, nếu trong trường hợp các đơn vị liên danh đã được công bố công khai ngay tại hồ sơ dự thầu, thì căn cứ trên hợp đồng để xác định trách nhiệm của mỗi bên. Ở Việt Nam, còn có tình trạng thỏa thuận miệng, giao việc miệng, không bằng chứng, trong trường hợp này, đơn vị thi công trực tiếp nếu không chứng minh được những chỉ đạo liên quan sẽ là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp. 

"Cần làm rõ việc Ban quản lý dự án có biết việc các gói thầu bị chia nhỏ và bán lại cho các nhà thầu khác không? Việc này được chỉ đạo như thế nào? Còn trường hợp đã công bố nhà thầu liên danh thì cam kết, thỏa thuận trong hợp tác thi công thực hiện như thế nào? Ban quản lý dự án không thể không biết, cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm vì đó là vai trò giám sát, quản lý của mình", ông Thám lưu ý thêm.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định, có thể xử lý những sai phạm liên quan tới dự án và việc này phải được làm thật nghiêm.

Trở lại với tình trạng lách luật, bán thầu, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói thêm, tại nhiều dự án giao thông khác vẫn xảy ra tình trạng này dẫn tới những sai phạm trong quá trình thi công, làm thất thoát nguồn lực, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Thái Bình

Theo Đất Việt