Saigonbank có quy mô nhỏ nhất hệ thống kinh doanh ra sao trong quý 1?
Hiện nay, Saigonbank là nhà băng có quy mô nhỏ nhất về các chỉ tiêu: tổng tài sản, tiền gửi của khách hàng, cho vay khách hàng, vốn chủ sở hữu và số lượng nhân viên làm việc.
Cơ cấu cổ đông của Saigonbank cô đặc
Bốn cổ đông lớn đã sở hữu 65,25% vốn điều lệ của Saigonbank: Văn phòng Thành ủy TP.HCM (sở hữu 18,18%), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (16,64%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (14,08%).
Tuy nhiên, chỉ tiêu về vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đứng trên Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) với 3.080 tỷ đồng so với 3.000 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2023, Saigonbank có 26.285 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 5,1% so với 31/12/2022; tiền gửi khách hàng tăng 3,6%, đạt 21.245 tỷ đồng nhưng cho vay khách hàng giảm 1,2%, đạt 18.481 tỷ đồng. Ngân hàng đang có 433 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,34%, tăng 0,22 điểm phần trăm.
Phần lớn khách hàng gửi tiền tại Saigonbank chọn hình thức tiền gửi có kỳ hạn với tỷ lệ 92,5% (kỳ hạn 1-5 năm chiếm tỷ lệ 44,9%) và 7,4% thuộc về tiền gửi không kỳ hạn, 0,1% tiền gửi ký quỹ, tiền gửi vốn chuyên dùng. Đối tượng gửi tiền chủ yếu là cá nhân.
Từ ngày 4/5, khách hàng cá nhân được Saigonbank áp dụng lãi suất 7,6%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6, 7, 8, 18, 24, 36 tháng; 7,7%/năm kỳ hạn 9, 10, 11 tháng; 8%/năm kỳ hạn 12 tháng; 8,6%/năm kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, khách hàng tổ chức sẽ hưởng lãi suất 7,4%/năm đối với kỳ hạn từ 13, 18, 24, 36 tháng; lãi suất 7,1% với kỳ hạn 6-12 tháng.
Trong quý 1, hầu hết các hoạt động của Saigonbank đều ghi nhận sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước (YoY). Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 5,3% YoY (+11 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 13,4% YoY (+1 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 6,5% YoY (+1 tỷ đồng), thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không phát sinh.
Chỉ duy nhất hoạt động khác có lãi thuần giảm 72,5% YoY (-34 tỷ đồng) nhưng đủ để tổng thu nhập hoạt động giảm 5,9% YoY (-17 tỷ đồng).
Chi phí hoạt động tăng 22% YoY (+24 tỷ đồng) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 59,4% YoY (-46 tỷ đồng) đã giúp Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 6,2% YoY (+6 tỷ đồng), đạt 105 tỷ đồng.
Hiện nay, cổ phiếu SGB của Saigonbank giao dịch ở mức giá 13.300 đồng/cổ phiếu, tăng 3,1% so với đầu năm giúp vốn hóa đạt 4.096 tỷ đồng.
Lần đầu tiên Saigonbank tăng vốn điều lệ kể từ 2012
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Saigonbank đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng phát hành 30,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 10%. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Saigonbank tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng.
Năm 2023, Saigonbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, tăng 26,6% YoY. Tại 31/12/2023, tổng tài sản sẽ đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6% so với 31/12/2022; vốn huy động 24.750 tỷ đồng, tăng 6%; dư nợ cho vay 20.915 tỷ đồng, tăng 6,9%.