Saigonbank sắp đổi chủ?
Trong những ngày đầu tháng 8, cổ phiếu SGB của Saigonbank có khối lượng giao dịch cực khủng với gần 120.541.626 cổ phiếu được sang tay, chiếm hơn 39,14% vốn điều lệ của ngân hàng này.
-
Khối lượng giao dịch tăng đột biến
Từ 1/8-9/8, cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) giao dịch sôi động. Cổ phiếu SGB liên tục tăng giá kèm theo những lệnh thỏa thuận với khối lượng khủng.
Cụ thể, ngày 1/8 có 58.727.926 cổ phiếu (chiếm 19,07% vốn điều lệ của Saigonbank) được giao dịch thỏa thuận trị giá 863 tỷ đồng, tương đương 14.696 đồng/cổ phiếu.
Ngày 8/8, có 58.064.300 cổ phiếu (chiếm 18,85% vốn điều lệ của Saigonbank) được giao dịch thỏa thuận trị giá 1.422 tỷ đồng, tương đương 24.498 đồng/cổ phiếu.
Trong những ngày đầu tháng 8, cổ phiếu SGB đã tăng một mạch từ 14.900 đồng/cổ phiếu lên 22.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 51,7% chỉ trong 5 phiên giao dịch.
Đóng cửa ngày 9/8, cổ phiếu SGB giảm khá nhiều so với những phiên giao dịch trước đó và đang ở mức 18.700 đồng/cổ phiếu, khiến các nhà đầu tư mua SGB theo phương thức thỏa thuận ngày 8/8 bị lỗ 23,67%. Tuy nhiên ở mức giá hiện tại, SGB vẫn còn tăng giá 45% so với đầu năm và giúp ngân hàng có vốn hóa đạt 6.103 tỷ đồng.
Ai là chủ của Saigonbank
Theo báo cáo quản trị quý 2/2023, Saigonbank có 4 cổ đông lớn chiếm đến 65,25% vốn điều lệ của Saigonbank. Đó là: Văn phòng Thành ủy TP.HCM (sở hữu 56.009.576 cổ phiếu, tỷ lệ 18,185%), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (sở hữu 51.250.000 cổ phiếu, tỷ lệ 16,64%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (sở hữu 50.364.494 cổ phiếu, tỷ lệ 16,352%) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (sở hữu 43.370.958 cổ phiếu, tỷ lệ 14,081%).
Được biết, 4 cổ đông lớn hiện nay của Saigonbank đều là pháp nhân, doanh nghiệp và đã ủy quyền cổ phần cho ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT và bà Trần Thị Phương Khanh, thành viên HĐQT.
Nếu thực hiện giao dịch mua/bán cổ phiếu SGB, các cổ đông trên đều phải công bố trước và sau khi thực hiện. Tuy nhiên, 4 cổ đông lớn đều không đăng ký giao dịch bán SGB trong thời gian vừa qua.
Nếu hai giao dịch thỏa thuận cổ phiếu SGB trong ngày 1/8 và 8/8 là những nhóm cổ đông khác nhau thì khi cộng với 4 cổ đông lớn sẽ vượt 100% vốn điều lệ của Saigonbank. Do đó, có thể là A bán cho B trong ngày 1/8; đến 8/8, B bán cho C.
Do không có nhân tố mới nên hoạt động của Saigonbank rất ì ạch khi lợi nhuận đạt được rất thấp, nhiều năm liền Saigonbank không có tiền để chia cho cổ đông.
Hàng loạt chỉ tiêu giữ vị trí 27/27 ngân hàng niêm yết
Trong 6 tháng đầu năm nay, Saigonbank đạt 183 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, lợi nhuận của Saigonbank xếp trên NCB (14 tỷ đồng) và BVBank (40 tỷ đồng).
Tuy vậy, Saigonbank vẫn là ngân hàng có các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng xếp ở vị trí thấp nhất trong 27 ngân hàng niêm yết.
Tại thời điểm 30/6, Saigonbank có 4.002 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tăng 2,64% so với đầu năm; 26.849 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 3,07%.
Tiền gửi của khách hàng đạt 21.776 tỷ đồng, tăng 6,23%; cho vay khách hàng 19.167 tỷ đồng, tăng 2,24%. Tổng nợ xấu 441 tỷ đồng, tăng 10,89%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%, tăng 0,18 điểm phần trăm.