Sân vận động Chi Lăng dính đại án: Chờ nghị quyết đặc thù để tháo gỡ

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án ở một số tỉnh thành, trong đó có Đà Nẵng.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ VIII, Quốc hộ khóa XV ngày 2/10, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, để thực hiện kết luận số 17 của Bộ Chính trị về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án ở một số tỉnh/thành phố, Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra, các bản án, nhiều nội dung thuộc thẩm quyền phải có nghị quyết đặc thù của Quốc hội mới giải quyết được.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Mặc dù nội dung này chưa đang Ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thông qua tại kỳ họp lần này nhưng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng được biết Chính phủ đang quyết tâm từ nay đến chuẩn bị kỳ họp, Ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kỳ họp. Trong đó, có rất nhiều nội dung liên quan đến TP. Đà Nẵng, ví dụ như việc xử lý sân vận động Chi Lăng cần nghị quyết của Quốc hội để giải quyết.

“Có nhiều nội dung vượt thẩm quyền của thành phố, thậm chí bây giờ phải đưa ra Quốc hội để xin nghị quyết đặc thù. Điều này cho thấy quá trình giải quyết những tồn tại, vướng mắc trước đây không đơn giản, không thể một sớm một chiều”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Sân vận động Chi Lăng. 
Sân vận động Chi Lăng. 

Sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích 55.000m2. Năm 2011, theo yêu cầu của nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Thanh, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án ranh giới chuyển mục đích sử dụng đất cho sân vận động Chi Lăng. Sau khi giao đất, sân vận động Chi Lăng được cấp thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thế chấp để vay vốn ngân hàng qua 2 đối tượng là ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.

Tại buổi họp báo quý I/2024, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, ông Phạm Công Danh nằm trong vụ án liên quan mà tài sản thi hành án có phần diện tích sân vận động Chi Lăng theo bản án của tòa án vào năm 2016.

Ông Chương cho biết thêm, năm 2018, sau khi bản án có liệu lực, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng của mình giữ lại sân vận động Chi Lăng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối chỉ đạo đã tổ chức phiên làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, trong phiên làm này, TP. Đà Nẵng và Ngân hàng Xây dựng không gặp nhau nên mong muốn giữ lại sân vận động Chi Lăng của Đà Nẵng chưa thành.

Quan điểm của TP. Đà Nẵng là lấy lại sân vận động Chi Lăng và hoàn lại số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm Đà Nẵng thương lượng với ngân hàng, xác định rõ số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh phải trả cho ngân hàng là 8.408 tỷ đồng, trong đó, tiền đất là 4.000 tỷ đồng, 4.408 tỷ đồng là lãi phát sinh. Với yêu cầu của Đà Nẵng và hiện trạng thực tế ông Phạm Công Danh đã vay thì 2 bên không có điểm gặp nhau.

Do bỏ hoang nhiều năm trời nên sân vận động Chi Lăng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance