Sắp có thêm cây cầu nối hai bờ vui Thái Bình – Hải Dương

HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, Kỳ họp thứ 24 vừa có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn thuộc tuyến đường Vành đai I thành phố Hải Dương, đoạn từ Đường tỉnh 391 đến Đường tỉnh 390C.

 

Nút giao đại lộ Võ Văn Kiệt với đường tỉnh 391 qua TP Hải Dương là điểm đầu tuyến đường dẫn cầu vượt sông Thái Bình sang xã Tiền Tiến. Ảnh: Thành Chung.
Nút giao đại lộ Võ Văn Kiệt với đường tỉnh 391 qua TP Hải Dương là điểm đầu tuyến đường dẫn cầu vượt sông Thái Bình sang xã Tiền Tiến. Ảnh: Thành Chung.

Cụ thể, dự án bắt đầu từ nút giao giữa đại lộ Võ Văn Kiệt với Đường tỉnh 391 đến Đường tỉnh 390C thuộc địa bàn thành phố Hải Dương, chiều dài khoảng 2,5km, cụ thể: Đoạn đầu cầu phía xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương có chiều dài khoảng 437m; cầu vượt sông Thái Bình có chiều dài khoảng 663m; đoạn đầu cầu phía xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương kết nối với Đường tỉnh 390C có chiều dài khoảng 1.400m.

Cầu vượt sông Thái Bình có chiều dài khoảng 663m bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, quy mô mặt cắt ngang cầu 22,5m, gồm: Lan can, gờ chắn bánh + làn hỗn hợp + làn ôtô + dải phân cách giữa, dải an toàn. Đoạn đường từ Đường tỉnh 391 đến cầu vượt sông Thái Bình có chiều dài khoảng 437m, nền đường từ 26 - 28m, trong đó mặt đường rộng 2x11m, dải phân cách giữa 3 - 5m, lề đất rộng 2x0,5m; đoạn đường từ cầu vượt sông Thái Bình đến Đường tỉnh 390C có chiều dài 1,4km đầu tư phân kỳ theo quy mô mặt cắt ngang 1/2 mặt đường bên trái tuyến với chiều rộng 12m, gồm: Mặt đường rộng 11m, lề đất rộng 2x0,5m; thực hiện vuốt nối chuyển tiếp đường đầu cầu vượt sông Thái Bình đáp ứng yêu cầu tổ chức giao thông êm thuận.

Ngoài các hạng mục chính, dự án còn đầu tư xây dựng các hạng mục: Nút giao (đường giao), thoát nước, hệ thống báo hiệu, chiếu sáng và hạ tầng khác liên quan (nếu có) theo quy mô đầu tư dự án. Đây là dự án nhóm B do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.230 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2024-2027.

Dự án nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường Vành đai I thành phố Hải Dương theo quy hoạch; mở rộng không gian đô thị và kết nối thành phố Hải Dương với các huyện lân cận; góp phần phát triển kinh tế xã - hội của thành phố Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Thời gian qua, những cây cầu đi vào hoạt động đã giúp giao thông thông suốt, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hải Dương. Có thể kể tới như Cầu Hiệp có mức đầu tư hơn 292 tỷ đồng, chiều dài 542,5m, rộng 12m, đạt tiêu chuẩn cầu đường bộ cấp I. Cầu Hiệp đi vào hoạt động năm 2012 đã nối liền hai tỉnh Hải Dương và Thái Bình, nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra còn có cầu Mây có tổng mức đầu tư 348 tỷ đồng, rộng 12m, nhịp chính vượt sông 90m; đường dẫn dài 594m, là công trình trọng điểm kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương (10/6/1940-10/6/2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Công trình được đánh giá có thời gian thi công ngắn nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương và là dấu ấn quan trọng trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh này.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh Hải Dương dự kiến đầu tư 4 dự án giao thông kết nối. Trong đó, sẽ phối hợp tỉnh Bắc Ninh xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn nối hai huyện Lương Tài với huyện Nam Sách; phối hợp tỉnh Hưng Yên xây dựng cầu Hải Hưng và đường dẫn kết nối huyện Thanh Miện với huyện Ân Thi; cầu Vạn và đường dẫn hai đầu kết nối TX Kinh Môn với TP Chí Linh; đường tỉnh 394B, đoạn từ đường tỉnh 395 đến đường trục Bắc Nam huyện Thanh Miện.

Việc xây dựng những cây cầu kết nối cùng hệ thống đường dẫn giao thông đồng bộ, không chỉ giúp Hải Dương giải quyết vấn đề đi lại của người dân, góp phần đảm bảo an toàn giao thông mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đánh thức những vùng miền vốn bị ngăn trở bởi sông nước suốt cả trăm năm qua.

Cẩm Tú

Theo Chất lượng và cuộc sống