Sau 4 ngày giao dịch tại Mỹ, vốn hóa VFS của VinFast “bay” gần 49,8 tỷ USD
Chốt phiên giao dịch ngày thứ 4 tại Nasdaq, cổ phiếu VFS của VinFast tiếp tục lao dốc xuống 15,4 USD/cổ phiếu, khiến vốn hóa của công ty này “bay” gần 49,8 tỷ USD.
Mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 4 trên Nasdaq (18/8, giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS ở mức giá 20 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, chốt phiên cổ phiếu VFS tiếp tục đà giảm, xuống còn 15,4 USD/cổ phiếu, giảm 23% so với mức giá mở cửa.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, giá trị VFS trên sàn Nasdaq chỉ còn 15,4 USD/cổ phiếu.
Điều này khiến giá trị vốn hóa của VinFast lao dốc từ đỉnh 85 tỷ USD (tính theo giá cổ phiếu chốt phiên ngày đầu lên sàn Nasdaq) còn 35,42 tỷ USD. Và khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm sâu xuống còn 21,2 tỷ USD, tiếp tục rời top 50 tỷ phú giàu nhất thế giới, xuống đứng ở vị trí thứ 78 theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes.
Tại thị trường trong nước, cổ phiếu công ty mẹ của VinFast là VinGroup (mã VIC) cũng đã quay đầu sau nhịp tăng từ 27/7 đến 17/8. Cụ thể, đỉnh điểm ngày 16/8, VIC có giá trên 75.000 đ/cổ phiếu, tuy nhiên, chốt phiên giao dịch ngày 18/8 giảm sàn xuống còn 66.900 đ/cổ phiếu.
Ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 78 những người giàu nhất thế giới.
Trước đó, VFS đã có phiên mở màn đầy ấn tượng ngày 15/8 khi nhảy vọt lên mức khoảng 37 USD/cổ phiếu, làm cho vốn hóa tăng gấp 3 lần so với định giá ban đầu và cao hơn so với Ford Motor, GM, Stellantis, BMW, Volkswagen, Tập đoàn Mercedes-Benz và nhiều hãng xe khác.
Sau màn “chào sàn” VinFast điền tên mình vào danh sách những công ty xe điện giá trị nhất thế giới. Đứng đầu danh sách này là Tesla với quy mô vốn hóa gần 740 tỷ USD. BYD là 87 tỷ USD. Hai công ty đứng tiếp theo là VinFast (vốn hóa 85 tỷ USD) và Li Auto (40,1 tỷ USD).
Với vốn hóa 85 tỷ USD, VinFast cũng vượt xa công ty Lucid Motors (nhà sản xuất xe điện thứ 2 của Mỹ), với vốn hóa sau phiên 15/6 dừng ở mức 14,5 tỷ USD.