VFS: Dòng tiền cá nhân sẽ chưa tham gia mạnh mẽ vào TTCK năm 2023

VFS dự báo nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục bán ròng trong quý I/2023 và giao dịch giằng co thiên về xu hướng bán ròng nhẹ.

VFS: Dòng tiền cá nhân sẽ chưa tham gia mạnh mẽ vào TTCK năm 2023
VFS: Dòng tiền cá nhân sẽ chưa tham gia mạnh mẽ vào TTCK năm 2023

Theo báo cáo chiến lược năm 2023 của Công ty Chứng khoán Nhất Việt (UPCoM: VFS), giá trị giao dịch từ nhà đầu tư cá nhân chiếm 80% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thường phản ứng chậm với xu hướng thị trường. Do đó, dòng tiền cá nhân giao dịch tiêu cực ở vùng đáy và hưng phấn ở vùng đỉnh.

VFS cho rằng khả năng bứt phá của dòng tiền trong nước có khả năng xuất hiện khi lãi suất điều hành giảm, hạn mức (room) tín dụng nới lỏng, các vấn đề trái phiếu được giải quyết, thị trường bất động sản tan băng và lạm phát thấp.

VFS dự báo nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục bán ròng trong quý I/2023 và giao dịch giằng co thiên về xu hướng bán ròng nhẹ. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua ròng tích cực hơn từ nửa cuối năm 2023 nếu thị trường chứng khoán chính thức thoát khỏi xu hướng giảm trung hạn.

Trong khi đó, dòng tiền khối ngoại dự báo tham gia sớm và có sức ảnh hưởng lớn hơn trong chu kỳ giảm giá.

Theo VFS, giá trị giao dịch từ khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng chiếm tỷ trọng cao trong chu kỳ giảm giá (30-35% trên HoSE), giữ ổn dịnh trong chu kỳ tích luỹ (20-30% trên HoSE) và giảm trong chu kỳ tăng giá (10-20% trên HoSE).

Khả năng bứt phá của dòng tiền khối ngoại có khả năng xuất hiện khi áp lực ngoại tệ giảm, lãi suất điều hành giảm, room tín dụng nới lỏng và lạm phát thấp.

“Thống kê cho thấy tổ chức nước ngoài thường đẩy mạnh mua ròng ở các vùng giá thấp cho đến khi thị trường chứng khoán chính thức vào xu hướng tăng trung hạn. Tuy vậy lượng giao dịch từ nước ngoài khó có thể bù đắp được thiếu hụt từ nhà đầu tư cá nhân với 80% tỷ trọng trên giá trị giao dịch. Do đó, sự tích cực từ nước ngoài không chắc chắn sẽ hỗ trợ thanh khoản thị trường tăng quá mạnh”, báo cáo nêu rõ.

VFS cho rằng định giá thị trường vẫn trong vùng tương đối thấp so với quá khứ, tuy dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế không cao. P/E của VN-Index ngày 31/12/2022 đạt mức 10,46 lần, thấp hơn so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan (17,76 lần), Indonesia (12,59 lần) cũng như các thị trường phát triển như Mỹ (20,46 lần) và Anh (14,42 lần).

So sánh với các giai đoạn biến động trong quá khứ, VFS cho rằng P/E hiện tại của VN-Index vẫn ở mức thấp, tương đương với những vùng tạo đáy dài hạn của thị trường.

VFS dự báo P/E năm 2023 của VN-Index là 9,34 lần; VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 – 1.250 điểm.

Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 không quá khả quan với hơn 50% số ngành tăng trưởng không vượt quá 2 chữ số và 20% số ngành tăng trưởng âm do kết quả kinh doanh năm 2022 hình thành mức nền cao và dự báo kinh tế khó khăn trong năm 2023.

Hải Đường

Theo VietnamFinance