Sau tuyên bố tham gia thị trường bất động sản, gia đình Tân Hiệp Phát mở công ty mua bán nợ
Việc gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát thành lập VNAMC được nhận định có liên quan đến tuyên bố lấn sân ngành bất động sản. Nhiều khả năng, Tân Hiệp Phát thông qua việc mua những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản để tích lũy quỹ đất.
Gia đình Chủ tịch Tân Hiệp Phát - Trần Quí Thanh, hai con gái Trần Uyên Phương (phải) và Trần Ngọc Bích (trái).
Công ty TNHH mua bán nợ VNAMC là doanh nghiệp trong lĩnh vực mua bán nợ mới được thành lập vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông đáng chú ý của công ty này là bà Trần Ngọc Bích và bà Trần Uyên Phương, hai con gái của ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tân Hiệp Phát (THP Group). Mỡi cổ đông sở hữu tỷ lệ vốn góp 50%.
Bà Trần Ngọc Bích là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty.
VNAMC đăng ký hai ngành nghề kinh doanh chính là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ.
Việc gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát thành lập VNAMC được nhận định có liên quan đến tuyên bố lấn sân ngành bất động sản của đại gia nước giải khát này hồi giữa năm. Tân Hiệp Phát nhiều khả năng thông qua việc mua những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản để tích lũy quỹ đất.
Vào tháng 5/2018, khi Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM chính thức công bố thành lập, sự kiện này đã gây chú ý bởi dàn lãnh đạo Câu lạc bộ xuất hiện ông Trần Quí Thanh - ông chủ của Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp vốn gắn với sản xuất đồ uống, giải khát.
Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết, Tân Hiệp Phát sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để hỗ trợ các thành viên trong Câu lạc bộ khi thiếu vốn triển khai các dự án bất động sản.
Không đề cập trực tiếp đến Tân Hiệp Phát, nhưng khi nói về vấn đề quỹ đất sạch, ông Bảo cho biết, trước đây Nhà nước cấp cho một số doanh nghiệp quỹ đất lớn để xây nhà máy, nhưng bây giờ, khu vực đó không thích hợp để xây nhà máy sản xuất nữa, nên doanh nghiệp đó có thể xin chuyển mục đích sử dụng để xây chung cư, nhà liền kề.
Chưa rõ kế hoạch lấn sân bất động sản của Tân Hiệp Phát ra sao, chỉ biết rằng, đơn vị này hiện có 4 nhà máy sản xuất nước giải khát ở Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai - Quảng Nam và Hậu Giang. Trao đổi với báo chí, ông Trần Quí Thanh cũng thừa nhận, Tập đoàn nhắm vào 2 lợi thế về nguồn vốn và quỹ đất khi chọn bất động sản để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, biến Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn đa ngành trong tương lai.
Trước đó, ông Trần Quý Thanh đã đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khi tham gia vào HĐQT của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn. Tháng 6/2017, ông Thanh đã việc sở hữu hơn 550.000 cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ Địa ốc Sài Gòn. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức lên sàn HOSE với mã chứng khoán SGR, ông Thanh trở thành một người giàu trên sàn chứng khoán.
Hoạt động mua bán nợ đang diễn ra sôi nổi trong thời gian gần đây. Mới đây, Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng BIDV đã đấu giá các khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại BIDV. Giá sẽ được đưa ra bán đấu giá với mức khởi điểm là 1.208 tỷ đồng, xấp xỉ mức dư nợ gốc tại ngân hàng.
Tài sản đảm bảo được đưa ra đấu giá lần này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với trụ sở công ty tại địa chỉ 100B, Bùi Thị Xuân, Bến Thành, Q.1, TP HCM có diện tích 275m2 và có nhà trên đất. Cùng với đó còn có hai mảnh đất tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Ngoài ra còn có 5,2 triệu cổ phiếu của CTCP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh.
Đây là lần đấu giá thứ 2 trong năm 2015, trước đó khoản nợ này đã được rao bán vào tháng 5/2018 với giá khởi điểm khi đó là 845 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đến hạn 18/5 có ít tổ chức đăng ký đấu giá, ngoài ra trong quá trình xử lý nợ, ngân hàng đã xác định lại giá của tài sản, do đó ngân hàng đã thay đổi về ngày nhận hồ sơ và giá khởi điểm mong muốn là 1.208 tỷ đồng - bằng giá trị khoản nợ gốc của các khoản nợ trên.
Theo Anh Mai / Nhadautu.vn