Sau vụ Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp bất động sản “ồ ạt” mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nợ vay?
Kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 181 về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện mua lại nhiều lô trái phiếu được phát hành trước đó.
Có thể nói, sau thời điểm thị trường bất ngờ xôn xao với vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành trước đó, thị trường trái phiếu đã có dấu hiệu chững lại ngay lập tức.
Minh chứng là theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tỏng tháng 5/2022 có 136 đợt mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp với tổng giá trị mua lại là gần 14.350 tỷ đồng. Trong đó, có 65 đợt được thực hiện trong tháng 5 với tổng giá trị mua lại là 8.225 tỷ đồng.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp đua nhau mua lại trái phiếu kể từ sau vụ Tân Hoàng Minh, theo dữ liệu của Bộ Tài Chính cho thấy, từ đầu năm nay đến cuối tháng 4 (tức gần 1 tháng sau khi Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng), tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng (tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, chiếm phần lớn khối lượng mua lại trong cả quý I/2022 (12.800 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn có nhiều lô trái phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Động thái này cho thấy, các doanh nghiệp địa ốc đang gấp rút giảm tỷ lệ nợ vay từ kênh huy động vốn này.
Đơn cử như Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã thực hiện mua lại toàn bộ 150 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô FLCH2122001 vào ngày 9/5 mà công ty phát hành hồi tháng 8/2021, mục đích của lô trái phiếu nhằm đầu tư dự án FLC Sầm Sơn tại tỉnh Thanh Hóa. Lô trái phiếu này đáo hạn vào tháng 8 năm nay.
Hay CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB) cũng đã công bố thông tin về việc mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024. Như vậy, công ty đã thực hiện mua lại một phần trái phiếu phát hành trước kỳ hạn hơn 2 năm.
Ngoài ra, còn có CTCP Tập đoàn Gelex (Mã CK: GEX) vừa hoàn tất giao dịch mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô trái phiếu GEXH2124001 vào ngày 19/5/2022. Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 19/5/2021 và đáo hạn ngày 19/5/2024, lãi suất 8,5%/năm. Như vậy, công ty đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này trước kỳ hạn 2 năm.
Thông báo của Gelex về việc mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào ngày 19/5/2022.
Sau đó không lâu, GEX cũng thông qua phương án mua lại trái phiếu của 3 lô trái phiếu. Cụ thể, vào ngày 8/6/2022 Gelex đã thông báo về việc mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu GEXH2124003 tổng giá trị 500 tỷ đồng. Số trái phiếu này đáo hạn ngày 31/12/2024.
Vào ngày 17/6/2022 Gelex cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu GELEXBOND_150420_3Y tổng trị giá 400 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 15/4/2024.
Mới đây nhất, vào ngày 1/7, Tập đoàn Gelex đã quyết định mua lại trước hạn trái phiếu trước hạn đối với các mã trái phiếu BONDGEX/2020.01 và BONDGEX/2020.02 được doanh nghiệp phát hành vào tháng 7/2020.
Trong xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn, ngày 10/5, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) đã mua lại 500 tỷ trước hạn trong gói trái phiếu 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào ngày 11/6, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp, mã CK: BCM) cũng đã thông báo kết quả về việc mua lại 79 tỷ đồng trong lô trái phiếu có mã BCMH2123002 (giá trị 500 tỷ đồng). Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 11/6/2023. Qua đó, giảm khối lượng phát hành xuống còn 421 tỷ đồng.
BCM thông báo kết quả mua lại 79 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 11/6/2022.
Hay như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã CK: CII) cũng đã mua lại 150 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô CIIBOND2020-02 vào ngày 25/5 vừa qua. Qua đó, giảm khối lượng trái phiếu xuống 1.850 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện ba đợt mua lại trái phiếu từ lô CIIH2023006. Các lô trái phiếu nói trên đều sẽ đáo hạn trong năm 2023.
Không chỉ có doanh nghiệp tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn mà còn có công ty hủy phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trước đó.
Tiêu biểu như vào ngày 14/6, HĐQT Công ty CP Việt Tiên Sơn địa ốc (Mã CK: AAV) đã thông qua phương án hủy phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được phê duyệt. Trước đó, ngày 11/5, HĐQT công ty này đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 65 tỷ đồng, có kỳ hạn ba năm, nhằm bổ sung vốn cho dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Doanh nghiệp ngày càng “dè dặt” trong cuộc chơi phát hành trái phiếu
Có thể thấy, các doanh nghiệp trước đó hoạt động rất sôi nổi trên thị trường trái phiếu thì thời gian qua cũng đã có sự “chùn chân” nhất định. Đặc biệt là sau biến cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào thời điểm đầu tháng 4 năm nay.
Ngay sau biến cố đó, trong tháng 4/2022, khối lượng trái phiếu phát hành sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành 820 tỷ đồng so với bình quân hàng tháng trong năm 2021 là 26.000 tỷ đồng.
Đồng thời, như thông tin đã đề cập ở đầu bài, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, gần bằng lượng mua lại trong cả quý I/2022.
Kể từ sau vụ Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp đang ngày càng thận trọng trong việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Việc các doanh nghiệp đang ngày càng “dè dặt” trong phát hành trái phiếu cũng đến từ việc các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những động thái nhằm chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản trên kênh huy động vốn này.
Tại báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2021, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.
Bộ Tài Chính còn cho biết, trước sự phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu xuất hiện những nguy cơ có thể gây bất ổn thị trường tài chính, dẫn đến cơ quan quản lý đã liên tiếp có những hoạt động chấn chỉnh thị trường thời gian gần đây.
Hiện nay, UBCKNN đang thành lập các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán này. Trong thời gian tới UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra tại các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, tình hình tài chính yếu, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo…
Việc xử phạt thời gian qua là cần thiết để tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, khối lượng phát hành giảm. Tuy nhiên trách nhiệm công bố thông tin, rà soát điều kiện phát hành được các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch tuân thủ đầy đủ hơn.
Một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chủ động công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở GDCK Hà Nội. Theo đó, khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5.200 tỉ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm ngoái.
Trước mắt, việc chấn chỉnh của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN có thể ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường này.