'Siêu sân bay' của Việt Nam trong tương lai sẽ kết nối với cảng Tân Sơn Nhất bằng hệ thống giao thông tân tiến nhất
Hai sân bay lớn nhất của Việt Nam sẽ được kết nối với nhau bằng giải pháp giao thông hiện đại và thuận tiện.
Theo báo Pháp Luật TP. HCM, Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối trên địa bàn thành phố, trong đó có đề cập đến phương án kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải và TP. HCM thống nhất trong tương lai sẽ tổ chức chạy tàu để vận hành chuyển hành khách giữa hai sân bay thông qua tuyến đường sắt đô thị số 6. Đường sắt đô thị đang là giải pháp giao thông hiện đại và thuận tiện giúp kết nối khu vực trung tâm thành phố với các vùng lân cận.
Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị số 6 đang được nghiên cứu bổ sung trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, vị trí kết nối ray dự kiến tại khu vực nút giao Phú Hữu. Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sau khi đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng bàn giao UBND TP. HCM quản lý, vận hành khai thác để đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị khác trong khu vực thành phố và phục vụ vận tải hành khách từ TP. HCM đến sân bay Long Thành.
Cùng với dự án kết nối đường sắt đô thị giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến xuyên tâm thành phố phục vụ cho khu vực phía tỉnh Tây Ninh và huyện Hóc Môn cũng được Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường sắt để nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm sự phù hợp của tổ chức vận tải (việc kết nối đường sắt quốc gia, việc gom, giải tỏa hành khách...), bảo đảm tổ chức khai thác thuận lợi các tuyến đường sắt quốc gia và các tuyến đường sắt đô thị.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000ha thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2025), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất hạ cánh. Giai đoạn 2 (2025-2035), sân bay được nâng công suất nhà ga hành khách lên 50 triệu khách/năm và nhà ga hàng hóa lên 1,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 (2035-2050), sân bay nâng công suất nhà ga hành khách lên 100 triệu khách/năm và nhà ga hàng hóa lên 5 triệu tấn/năm. Khi được đưa vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.