Sợ khách rút tiền, ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất tiền gửi lên kịch trần
Lo ngại khách sẽ rút tiền đem gửi ở những nơi có lãi suất cao hơn, các ngân hàng đang bước vào "cuộc đua" lãi suất tiền gửi khi có đơn vị đã nâng lên đến 9,1%/năm.
Đua nhau tăng lãi suất tiền gửi
Mới đây, ngân hàng An Bình (ABBANK) gửi thông báo đến khách hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi là 7,5%/năm cho kỳ hạn sáu tháng và 8,5% cho kỳ hạn 12 tháng. So với mức lãi suất cũ, ABBANK đã tăng lần lượt 0,7% và 0,8%/năm cho mỗi kỳ hạn.
Tương tự, ngân hàng VIB cũng mới đưa ra thông báo tăng lãi suất lên vượt mức kịch trần là 9,1%. Nếu khách gửi kỳ hạn sáu tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất slà 8,6%/năm và 61 tháng có lãi suất là 9,1%/năm. Như vậy mức lãi suất này đã cao hơn các ngày trước là 0,7%.
Không đứng ngoài cuộc, vào trưa ngày 22/8, ngân hàng VPBank cũng điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng hơn so với trước đó từ 0,2-0,4%. Theo đó, nếu gửi dưới 300 triệu thì lãi suất 7,4%/năm, còn gửi 300 triệu đến dưới một tỷ là 7,7%/năm và một tỷ đồng trở lên là 7,9-8%/năm cho kỳ hạn sáu tháng. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6-8,2%/năm.
Thậm chí Ngân hàng Viet Capital đã nâng lãi suất lên đến 10,2%/năm đối với kỳ hạn 60 tháng và hiện đang là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như OCB cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết gửi kỳ hạn 36 tháng là 8%/năm, tăng cao hơn 0,3% so với trước đây.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, trước “cuộc chiến” này, ngân hàng muốn đứng ngoài cuộc cũng không được vì khách sẽ rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp đem sang gửi ngân hàng có lãi suất cao. Để giữ chân khách, buộc các ngân hàng đành phải tăng lãi suất theo.
Lý giải vì sao lãi suất lại tăng mạnh, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền tổng giám đốc ABBANK cho rằng, việc tăng lãi suất chính là muốn có thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu kinh doanh, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử đụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng sắp tới của Ngân hàng Nhà nước. Năm nay tỷ lệ này ở mức 40% nhưng trong năm tới có thể giảm xuống 35% và đến năm 2021 sẽ còn 30%.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, gây áp lực không nhỏ cho người vay, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đối diện áp lực lãi vay tăng
Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm 2019 là lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Song, theo các chuyên gia kỳ vọng này không thành hiện thực vì việc tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Thực tế, hiện lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng đang cao chót vót khiến cho lãi suất vay cũng theo đó tăng theo chứ không thể giảm. Hiện nay, đã có ngân hàng nâng lãi suất vay mua, xây sửa nhà, vay mua ôtô lên mức 13-13,5%/năm, thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng còn cao hơn nhiều, lên đến 40-50%/năm.
Việc tăng lãi suất vay đã tác động không nhỏ đến những người vay mua bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn ít có điều kiện tiếp cận các ngân hàng lớn (lãi suất cho vay thấp) mà phải tìm đến các ngân hàng nhỏ. Lãi suất vay cao kéo theo gia tăng chi phí sản xuất khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chẳng hạn, trong báo cáo doanh thu quý hai mới đây, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 với số lỗ kỷ lục 167 tỷ đồng, gấp đôi quý 2 năm ngoái.
Theo báo cáo, doanh thu thuần quý 2 đạt 849 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí giá vốn ngược lại tăng 6,8% nên dẫn đến lợi nhuận gộp còn gần 104 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
“Nguyên nhân lỗ là do có nhiều chi phí tăng lên như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt là gánh nặng chi phí lãi vay tăng lên. Từ tháng 1/2019 công ty không được kéo dài thời gian trả nợ, không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho ngân hàng nên đang phải chịu lãi phạt quá hạn với lãi suất 18% trên nợ gốc quá hạn” – công ty Hà Bắc cho biết.
Tương tự, công ty bánh kẹo Hải Hà cũng vừa công bố kết quả tài chính sáu tháng năm 2019 lỗ 16,9 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ này được lý giải là do chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng thêm 2 tỉ đồng so với cùng kỳ ở mức 5,9 tỉ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 98,7% chi phí tài chính trong kỳ.
Từ đó cho thấy, mức lãi vay chiếm tỷ trọng cao trong chi phí doanh nghiệp, nếu giảm lãi hoặc giữ nguyên mức lãi vay lúc ban đầu sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Đồng thời các gói vay ưu đãi lãi suất thấp không nên giới hạn chỉ một năm mà dành cho cả trung dài hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay dễ dàng hơn.
Theo Thanh Hoa/Phụ Nữ TP. HCM