“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD

Việc VnDirect bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu nóng THD khiến nhà đầu tư đặt sự quan tâm đặc biệt hơn đến 2 doanh nghiệp này.

VnDirect bị phạt vì cấp margin cho THD

Ngày 7/10 vừa qua CTCP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) công bố thông tin nhận được quyết định của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đề ngày 30/9/2022. Theo đó VnDirect bị phạt 60 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ.

Cụ thể, VnDirect cấp margin cho cổ phiếu THD của Thaiholdings tại nhiều tài khoản chứng khoán, trong khi cổ phiếu THD chưa đủ điều kiện được cấp margin tại thời điểm đó.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect

Sau khi việc VnDirect cấp margin cho cổ phiếu THD – một trong những cổ phiếu “nóng” trên thị trường được công bố, nhiều nhà đầu tư giật mình: Thứ nhất, lỗi vi phạm đã 2 năm, nay mới bị xử phạt; thứ 2, liên quan đến Thaiholdings – một doanh nghiệp để lại nhiều dấu ấn cho nhà đầu tư thời gian qua; và thứ 3 là liên quan đến VnDirect – một công ty chứng khoán lớn trong nước. Đây cũng là thời điểm nhà đầu tư muốn “soi” lại tình hình kinh doanh của Thaiholdings cũng như Vndirect.

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 ghi nhận tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với tổng giá trị giao dịch trong kỳ đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó giao dịch của các nhà đầu tư đạt 963.483 tỷ đồng, tập trung vào giao dịch cổ phiếu (468.046 tỷ đồng) và chứng khoán khác (gần 495.000 tỷ đồng).

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 1

VnDirect cũng mang tiền đi đầu tư chứng khoán. Tổng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ FVTPL hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 8.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó có đầu tư vào cổ phiếu đã niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết và các loại trái phiếu.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 2

“Soi” danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của VnDirect thì thấy  tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng giá gốc (đến 30/6/2022) trong đó tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu PTI và HSG là nhiều nhất, ngoài ra danh mục còn có MWG và NLG. Tạm tính, giá trị hợp lý đến 30/6/2022 VnDirect “tạm lãi” cho khoản đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết gần 700 tỷ đồng – và tổng tạm lãi các khoản đầu tư tài chính thông qua lãi/lỗ FVTPL khoảng 700 tỷ đồng.

Tuy vậy đó là “tạm lãi” khi nửa đầu năm 2022 thị trường chứng khoán tăng mạnh, rất nhiều mã chứng khoán được “thổi” giá lên cao. Còn thực tế đến hiện tại các khoản đầu tư vẫn giữ, và thị trường chứng khoán vừa chứng kiến những thời điểm VnIndex giảm sâu, nhiều mã liên tục nằm sàn.

VnDirect chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 để biết tình hình biến động của các khoản đầu tư này, tuy nhiên nhìn sơ qua, các cổ phiếu trong danh mục đầu tư nắm giữ đến 30/6/2022 của công ty hiện tại đang giảm rất sâu so với thời điểm kết thúc quý 2/2022.

Điển hình như PTI của Bảo Hiểm bưu điện đã giảm hơn một nửa, vừa giảm sàn về mức 33.000 đồng/cổ phiếu. Còn nếu tính tại thời điểm 30/9/2022 khi kết thúc quý 2, PTI cũng đóng cửa ở mức 46.800 đồng/cổ phiếu, giảm 35% so với thời điểm kết thúc quý 2/2022.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 3

Hay MWG đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9 ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu, cũng giảm khoảng 10% tính từ cuối quý 2/2022 đến nay. Thậm chí hiện tại MWG giảm tiếp về mức 57.100 đồng/cổ phiếu, giảm 20% tính từ cuối quý 2.

NLG của Nam Long cũng giảm khoảng 30% tính từ thời điểm cuối tháng 6 đến nay, xuyên thủng đáy 1 năm và đang dò về đáy của khoảng 2 năm trở lại đây.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 4

Với danh mục đầu tư có nhiều cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư lại có lý do để "chờ" thông tin báo cáo tài chính quý 3 của VnDirect.

Ngoài khoản đầu tư vào cổ phiếu, VnDirect cũng đầu tư gần 6.900 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, tăng khoảng 5.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi đó hiện tại, việc rất nhiều doanh nghiệp bị “sờ gáy” khoản phát hành trái phiếu. Thậm chí có doanh nghiệp mới thông báo không đủ khả năng trả nợ lãi trái phiếu như VKC Holdings, nhà đầu tư càng muốn “soi” danh mục sở hữu trái phiếu của các doanh nghiệp. VnDirect không công bố rõ các khoản đầu tư trái phiếu công ty đang nắm giữ.

Trong khi đó tình hình hoạt động thực tế mảng cho vay margin, báo cáo ghi nhận tổng các khoản cho vay cho hoạt động ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 30/6/2022 là 11.663 tỷ đồng – giảm hơn 3.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm chứng tỏ mảng môi giới chứng khoán đang chững lại, thay vào đó là việc công ty mang tiền đi đầu tư.

Cổ phiếu VND đã “xuyên thủng” đáy 1 năm

Trên thị trường cổ phiếu VND vừa trải qua phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/10/2022 ở mức 14.250 đồng/cổ phiếu – xuyên thủng luôn đáy của khoảng 1 năm trở lại đây.

Vốn hoá thị trường của VnDirect cũng “bay” từ 42.000 tỷ đồng thời điểm đầu tháng 4/2022 xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay khi giá cổ phiếu VND giảm từ vùng giá xấp xỉ 35.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu.

VND là một trong những cổ phiếu có thanh khoản lớn trên thị trường chứng khoán. Mỗi phiên đều có hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh. Bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất mỗi phiên có khoảng 17 triệu cổ phiếu VND khớp lệnh.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 5

VnDirect vừa tiến hành các đợt tăng vốn khủng liên tục

Năm 2022 vừa qua VnDirect đã tiến hành tăng vốn với mục đích tăng quy mô hoạt động của công ty để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ khách hàng, tăng năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, đồng thời bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty. Trước đó năm 2021 VnDirect cũng đã từng tăng vốn lớn, gần gấp đôi.

Chưa hết năm 2022, Vndirect đã thực hiện đợt tăng vốn với tỷ lệ tăng rất lớn, từ 4.350 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng tương ứng tăng gấp 2,8 lần ban đầu và gấp hơn 5 lần cùng thời điểm này năm ngoái.

“Soi” danh mục đầu tư của VnDirect sau thông tin bị phạt do cấp margin cho cổ phiếu THD - Ảnh 6

Các “chủ nợ” của VnDirect là ai?

Tính đến 30/6/2022 tổng nợ phải trả của VnDiretc tăng khoảng 2.670 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 20.600 tỷ đồng, vay trái phiếu ngắn hạn 950 tỷ đồng và vay trái phiếu dài hạn 1.000 tỷ đồng. Còn lại các khoản phải trả ngắn hạn khác tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 5.800 tỷ đồng – đây là khoản tiền của các nhà đầu tư mà công ty nhận quản lý.

Chủ nợ của VnDirect là những ai? Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 có ghi tên của 2 ngân hàng trong nước cho vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với dư nợ vay ngắn hạn đến 30/6/2022 là hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó các giao dịch phát sinh vay/trả trong kỳ rất lớn với gần 46.200 tỷ đồng vay ra, và trả về hơn 45.400 tỷ đồng.

Vietcombank cũng có khoản dư nợ cho VnDirect vay đến 30/6/2022 gần 3.600 tỷ đồng, trong đó trong kỳ giao dịch ít hơn BIDV rất nhiều, chỉ khoảng 6.200 tỷ đồng vay thêm và trả bớt hơn 4.400 tỷ đồng.

Số còn lại của vay ngắn hạn bằng tiền mặt đề tên “ngân hàng khác” với dư nợ đến 30/6/2022 hơbn 4.650 tỷ đồng giảm được gần 5.500 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, với các “ngân hàng khác” mà VnDirect không liệt kê tên này, các giao dịch diễn ra trong kỳ cũng rất tích cực với hơn 31.000 tỷ đồng vay thêm và trả bớt hơn 36.500 tỷ đồng.

VnDirect là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành cho Trung Nam Group

Danh mục các hợp đồng tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu lớn năm 2021 của VnDirect có sự xuất hiện của rất nhiều cái tên đáng chú ý, trong đó có Trung Nam Group.

Báo cáo ghi nhận tháng 5 đến tháng 8/2021 VnDirect là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành cho lô trái phiếu 2.600 tỷ đồng của CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Ngoài ra tháng 6/2021 còn là tư vấn, bảo lãnh phát hành cho lô trái phiếu 10.250 tỷ đồng của CTCP Điện gió Trung nam Đắk Lắk 1 và 2.000 tỷ đồng cho Công ty TNHH Điện Mặt trời Trung nam Thuận Nam vào tháng 4/2021.

Liên quan đến Trung Nam Group, mới đây Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Thủ tướng về việc được giao hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận quản lý tài sản lưới điện truyền tải điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân, do nhà đầu tư tư nhân là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất bàn giao không tính chi phí (bàn giao 0 đồng), theo chỉ đạo hồi đầu năm nay của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể thực hiện nên Bộ Công Thương kiến nghị lùi thời gian bàn giao dự án đường dây 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư và sẵn sàng bàn giao lại với giá 0 đồng cho Nhà nước.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống