Sử dụng giấy tờ giả làm thủ tục đất đai bị phạt như thế nào?
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, có nội dung quy định về hình thức và mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đất đai.
Phạt tối đa 30 triệu đồng nếu dùng giấy tờ giả
Điều 33 Dự thảo Nghị định quy định việc xử phạt khi vi phạm quy định về giấy tờ quy định cụ thể 5 trường hợp bị xử phạt.
Cụ thể: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện theo quy định đối với trường hợp tại khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, ở điều 34 Dự thảo Nghị định cũng quy định về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp chậm cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra về đất đai sau 07 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, kiểm tra hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu (bằng văn bản) của người có trách nhiệm liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp hết thời hạn yêu cầu mà không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp.
Tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải cung cấp, cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu đối trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Thẩm quyền xử phạt
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền từ phạt cảnh cáo tới tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không quá 10.000.000 đồng, giấy tờ tẩy xóa, sai lệch, giả và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt từ cảnh cáo tới 100.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm cả các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 500.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm cả các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Ngoài ra, thanh tra chuyên ngành cũng có một số quyền xử phạt trong vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Trong đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất có quyền phạt tiền đến 500.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm cũng như giấy tờ giả, sai lệch…