Tài chính của HPX: Quá nửa tài sản ‘chôn’ vào khoản phải thu, cuối năm chỉ còn 9 tỷ tiền mặt

Năm 2024, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) khá yếu kém. Không những vậy, việc luân chuyển vốn của công ty cũng khiến giới quan sát bất ngờ.

Quý IV thất bát, cả năm giật lùi

HPX đã có một quý IV khá tồi tệ khi doanh thu thuần tăng 6% (đạt 532 tỷ đồng), nhưng lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 5,6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi sau thuế tính theo quý thấp thứ 3 kể từ khi công ty lên sàn vào năm 2018. Nguyên nhân cơ bản là HPX đã không còn ghi nhận khoản lãi lớn từ việc bán các khoản đầu tư như cùng kỳ năm trước.

Sự yếu kém của quý IV đã khiến kết quả cả năm 2024 của HPX bị tác động theo. Theo đó, luỹ kế năm 2024, doanh thu thuần đạt 1.616 tỷ đồng, giảm 5%, lãi sau thuế đạt 65 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước.

Một cách công bằng, năm 2024, HPX đã làm được điều đáng khen ngợi là cải thiện mạnh mẽ biên lãi gộp (đạt 32,13%, tăng tới 15,19 điểm % so với năm trước), đưa lãi gộp tăng 80%, đạt 519 tỷ đồng. Nhưng việc doanh thu tài chính giảm quá mạnh (giảm 76%) và các loại chi phí tăng vọt (chi phí tài chính tăng 63%, chi phí quản lý tăng 85%) đã “thổi bay” kết quả này.

Vì vậy, đối chiếu với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng: doanh thu 2.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 105 tỷ đồng, HPX chỉ hoàn thành được 58% mục tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận.

Tài chính của HPX: Quá nửa tài sản ‘chôn’ vào khoản phải thu, cuối năm chỉ còn 9 tỷ tiền mặt - Ảnh 1

Băn khoăn việc luân chuyển vốn

Xét cấu trúc tài sản của HPX, điều đáng chú ý là trong năm 2024, giá trị các khoản phải thu tăng thêm 7% lên 4.273 tỷ đồng, tương đương 55,4% tổng tài sản. Trong số này, có tới 666 tỷ đồng được HPX dùng để cho các công ty ít nhiều liên quan vay mượn. 2 công ty được vay nhiều nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư An Thịnh (vay 313 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thành Nhân (vay 108 tỷ đồng).

An Thịnh được thành lập năm 2008, từng là công ty con của HPX và từng do ông Đỗ Quý Hải (đương kim chủ tịch HĐQT HPX) làm chủ tịch HĐQT. Vào năm 2017, An Thịnh có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, do HPX nắm 50%, bà Trần Thị Hoà nắm 15%, bà Trần Thị Hương nắm 1%, ông Nguyễn Đình Công nắm 3%, bà Trần Hoài Anh nắm 15%... Trong khi đó, các cổ đông khác như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thành Nhân, Bùi Bắc An, Đỗ Quý Hải đều đã thoái vốn.

Nhân sự của An Thịnh đều là những “gương mặt thân quen” của HPX, như Trần Hoài Anh, Đỗ Quý Duy, Phạm Văn Định… Chức chủ tịch HĐQT của An Thịnh luân chuyển qua tay các ông: Nguyễn Trọng Thiết, Phan Văn Điền, Trần Việt Sơn.

Về Công ty Thành Nhân, được lập ra năm 2006, doanh nghiệp này có cổ đông sáng lập là Đỗ Quý Thành, Nguyễn Hữu Nhân, Trần Hoài Anh. Trong đó, ông Đỗ Quý Thành là em trai ruột ông Đỗ Quý Hải.

Như vậy, có thể thấy HPX đã mang nguồn lực của mình để bơm cho “hệ sinh thái” dưới dạng cho vay, mục đích cơ bản được thuyết minh khá mơ hồ là “phục vụ nhu cầu sử dụng vốn” và không có chú thích lãi suất cho vay đi kèm từng khoản. Đáng nói, hầu hết các khoản vay này mới xuất hiện trong năm 2024. Và bằng việc các lãnh đạo đương nhiệm của HPX rút khỏi các vị trí chủ chốt, những đơn vị như An Thịnh hay Thành Nhân đã tránh được việc phải xếp vào “bên liên quan” của HPX.

Ngoài những khoản cho vay như trên, HPX còn khoản tạm ứng rất lớn, tới 410 tỷ đồng, không rõ mục tiêu.

Sở dĩ việc luân chuyển và sử dụng vốn của HPX được quan tâm là bởi năm 2024, công ty này không dồi dào về tiền bạc. Dù dòng tiền kinh doanh dương 609 tỷ đồng, nhưng HPX vẫn phải tăng quy mô dòng tiền đi vay thêm 72% so với năm trước (đạt 1.070 tỷ đồng) mới cơ bản cân đối được dòng tiền hoạt động trong năm.

Song cũng cần thấy rõ rằng tại ngày kết thúc năm 2024, tiền và tương đương tiền của HPX thậm chí chỉ còn vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cũng chỉ còn 6,7 tỷ đồng. Nghĩa là số tiền mà HPX có ở thời điểm đó chưa nổi 9 tỷ đồng.

Cần biết, HPX hiện vẫn đang duy trì dư nợ vay mượn tới 2.040 tỷ đồng. Chi phí tài chính năm qua lên tới 272 tỷ đồng, tăng 63% so với năm trước.

Cơ cấu tài sản của HPX cho đến cuối năm 2024 cũng không thực sự lành mạnh. 55,4% tài sản đã tập trung ở các khoản phải thu, 35% khác bị “chôn” ở hàng tồn kho. Như vậy, 90% tài sản của công ty đang trong trạng thái bị chiếm dụng và/hoặc tồn đọng. Điều này gây ra lo ngại không nhỏ, nhất là khi nhìn vào số dư tiền mặt nêu trên.

HPX đã trải qua giai đoạn trước đó đầy sóng gió và phải vật lộn để có thể gượng dậy được. Bởi vậy, các động thái của công ty, nhất là trong việc sử dụng, luân chuyển vốn đều được đặc biệt quan tâm. Triển vọng của HPX không phải quá tệ, khi số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn đã tăng thêm 24% trong năm qua, lên 714 tỷ đồng, nhưng để có thể trở lại như thời hùng mạnh, công ty vẫn còn một đoạn đường rất xa.

Vĩnh Chi

Theo VietnamFinance