Tai họa và nhân họa
TNNĐ- Vụ việc căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đổ sập có thể nói là một tai họa đau lòng, vì hậu quả nó gây ra khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Nhưng nguy cơ lớn hơn, vụ sập căn biệt thự này còn làm dấy lên lo ngại về những tai họa khủng khiếp hơn có thể xảy ra ở các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Điều đáng buồn là sau khi thảm họa xảy ra, đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm. Về phía đơn vị đang quản lý và sử dụng tòa nhà là Công ty Đường sắt Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo của doanh nghiệp này cho biết, vẫn làm hết trách nhiệm, sử dụng và quản lý tòa nhà đúng quy trình. Căn biệt thự cũng không nằm trong diện có nguy cơ sụp đổ.
Đã có một số ý kiến đưa ra đổ lỗi cho… thiên tai là nguyên nhân khiến tòa nhà này đổ sập. Ấy là việc Hà Nội hứng chịu liên tục nhiều trận mưa lớn trong mấy ngày liền khiến tường và trụ của căn biệt thự bị ngấm nước, giảm khả năng chịu lực dẫn tới đổ sập.
Cách lý giải này có vẻ có lý, bởi sự biện chứng và khoa học.
Thế nhưng, nếu đúng như vậy thì mối lo sắp tới còn lớn hơn rất nhiều, bởi hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng trăm căn biệt thự cổ trong diện cần phải bảo tồn, trong đó có nhiều căn biệt thự xuống cấp nghiêm trọng đến nỗi không ai dám ở. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội còn chưa lên được danh mục nhà nguy hiểm!
Điều đó có nghĩa, vẫn còn rất nhiều thảm họa khác có nguy cơ diễn ra mà con người không biết để ngăn chặn, cũng như ứng phó.
Từ câu chuyện sập nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, nghĩ đến chuyện cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội cũng thật đáng sợ.
Không sợ sao được khi trên địa bàn Thành phố có hàng trăm khu chung cư cũ xuống cấp, trong đó có hàng chục tòa nhà có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, quy mô về số người sinh sống, làm việc tại các tòa chung cư cũ lớn hơn hàng chục lần tại các tòa biệt thự. Nếu một thảm họa tương tự xảy ra, thì hậu quả nó gây ra thật khó tưởng tượng.
Như đã đề cập ở trên, Hà Nội hiện nay có hàng trăm tòa chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo. Thế nhưng, tại rất nhiều tòa chung cư cũ trong diện báo động đỏ về độ nguy hiểm, việc di dời các hộ dân khỏi chung cư để tiến hành cải tạo đang... "húc đầu vào đá" như cách nói của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Thậm chí, tại nhiều tòa chung cư, Thành phố có chính sách tải tạo cả chục năm nay, nhưng việc di dời các hộ dân khỏi khu chung cư vẫn giậm chân tại chỗ. Người dân vẫn sinh sống bất chấp sự nguy hiểm.
Việc một tòa biệt thự không nằm trong diện nguy hiểm bị đổ sập khiến 2 người chết và nhiều người bị thương, so với cả một tòa chung cư với hàng trăm người thường xuyên có mặt đang trong tình trạng báo động đỏ về độ nguy hiểm, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất ghê gớm.
Dĩ nhiên, nếu một thảm họa thật sự có thể diễn ra (dù không ai muốn), thì thảm họa này, hẳn sẽ lại vì… thiên tai!?
Mới đây, sự cố cháy chung cư, hoặc báo cháy giả tại các khu chung cư xuất hiện liên tục cũng khiến nhiều người, nhất là người sinh sống tại các khu chung cư phải lo sợ.
Việc hỏa hoạn tại các khu chung cư Hà Nội gần đây vẫn chưa gây thảm họa về người. Thế nhưng, với quy mô dân số quá lớn, nhưng chất lượng chung cư và hiệu quả của hệ thống báo cháy, chữa cháy nhà chung cư vẫn là dấu hỏi. Việc năng lực chữa cháy nhà chung cư cao tầng còn hạn chế của cơ quan phòng cháy chữa cháy, trong khi sự hoảng loạn của cư dân lên đến cao độ cho thấy, một tại nạn thực sự, nếu xảy ra thì thiệt hại là không thể đo đếm được.
Những tai họa này dĩ nhiên không hoàn toàn vì thiên tai, mà có khi phần lớn chính là do thái độ của con người.
Báo Đầu tư Bất động sản