Tập đoàn Thái Lan và hành trình 'thâu tóm' các DN nhựa Việt Nam
Khởi đầu 'không có gì' đến sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn, thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, các DN Thái Lan bằng chiến lược hợp lý đã trở thành ông chủ lớn tại nhiều DN và thực sự là nhóm đầu tư có sức ảnh hưởng trong ngành nhựa Việt Nam
Đường đi nhanh nhất: Mua bán - sáp nhập DN
Trong 10 năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam đã chứng kiến một loạt thương vụ mua bán - sáp nhập, thâu tóm do các tập đoàn Thái Lan thực hiện. Từ việc "không có gì" ở thị trường nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan hiện đang sở hữu tỷ lệ cổ phần lên đến 55 - 70%, thậm chí 100% tại nhiều doanh nghiệp đầu ngành.
Cập nhật danh sách các doanh nghiệp ngành nhựa nổi bật có sự tham gia đầu tư của các DN Thái Lan tại Việt Nam cho thấy, con đường ưu thích của các nhà đầu tư Thái Lan là mua bán - sáp nhập DN để nhanh chóng chiếm giữ tỷ lệ cổ phần lớn tại các DN nhựa.
Bảng tổng hợp dưới đây đã cho thấy 'thế trận' của Thái Lan trong ngành nhựa Việt Nam:
Tên doanh nghiệp | Tập đoàn Thái Lan đầu tư | Tỷ lệ sở hữu | Thời điểm đầu tư | Giá trị thương vụ | Lĩnh vực hoạt động |
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) | The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd (thuộc SCG) | ~55% | 2018 | ~2.800 tỷ VND (khoảng 120 triệu USD) | Sản xuất ống nhựa và phụ kiện |
Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi) | SCG Solutions Pte. Ltd (thuộc SCG) | 94,11% | 2020 | Không công bố | Sản xuất bao bì nhựa |
Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân | SCG Packaging (SCGP) | 70% | 2021 | ~6.400 tỷ VND (khoảng 280 triệu USD) | Sản xuất bao bì nhựa cứng và sản phẩm nhựa gia dụng |
Công ty Cổ phần Starprint Việt Nam (SPV) | SCG Packaging (SCGP) | 70% | 2023 | 676,8 tỷ VND (khoảng 27,8 triệu USD) | Sản xuất bao bì carton in offset và hộp cứng |
Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) | SCG | 80% | 2015 | ~1.000 tỷ VND (khoảng 44 triệu USD) | Sản xuất bao bì nhựa |
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) | The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd (thuộc SCG) | 23,84% (đã thoái vốn năm 2017) | 2012 | Không công bố | Sản xuất ống nhựa và phụ kiện |
Công ty Liên doanh Việt – Thái Plastchem | SCG | 72,49% | Trước 2015 | Không công bố | Sản xuất nhựa và bao bì |
Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina | SCG | 70% | Trước 2015 | Không công bố | Sản xuất nhựa và hóa chất |
Công ty TNHH Chemtech | SCG | 100% | Trước 2015 | Không công bố | Sản xuất polyethylene XLPE |
Công ty TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái | SCG | Không công bố | Trước 2015 | Không công bố | Sản xuất vật liệu nhựa |
Công ty cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) | Indorama Ventures | 100% | 2022 | Không công bố | Sản xuất bao bì PET và các sản phẩm nhựa khác |
Theo báo cáo tài chính, những doanh nghiệp được thâu tóm bởi các nhà đầu tư Thái Lan ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
DN lớn nhanh, nhà đầu tư thu lớn
Năm 2018, SCG đã thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), đặt dấu mốc chi phối trong lĩnh vực nhựa xây dựng. Từ khi trở thành cổ đông lớn, Nawaplastic đã nhận khoảng 2.300 tỷ đồng tiền cổ tức từ Nhựa Bình Minh do doanh nghiệp này có tỷ lệ trả cổ tức hàng năm rất cao, đỉnh điểm lên tới 84% vào năm 2022.
Tương tự, cuối năm 2020, cổ đông Thái Lan đã mua thành công 12,1 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa, tương ứng với 94,11% vốn công ty. Nhờ kế hoạch chia cổ tức luôn duy trì ở mức 2 chữ số, kể từ khi đầu tư vào Bao bì Biên Hòa, tập đoàn Thái Lan đã thu về hàng trăm tỷ đồng cổ tức.
Tập đoàn SCG vẫn liên tục mua thêm các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Năm 2021, SCG đã mua 70% cổ phần Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, mỗi năm thu về doanh thu lên đến 3.000 tỷ đồng.
Gần nhất, SCG Packaging (SCGP) - thuộc SCG - cũng đã mua lại 70% cổ phần Công ty CP Starprint Việt Nam (SPV), đơn vị chuyên sản xuất bao bì carton. Năm 2022, SPV ghi nhận doanh thu 1.013 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 92,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty đạt 601 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn SCG đã đầu tư vào Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) vào năm 2015. Thương vụ này được thực hiện thông qua SCG Packaging (SCGP), với SCG nắm giữ 80% cổ phần của Batico. Tổng giá trị thương vụ đạt khoảng 1,5 tỷ baht, tương đương 44,4 triệu USD.
Ngoài ra, một loại những thương vụ đã được thực hiện từ trước năm 2015 bao gồm 23,84% cổ phần Công ty Nhựa Tiền Phong nhưng đã thoái vốn năm 2017; 72,49% cổ phần Công ty Liên doanh Việt – Thái Plastchem; 70% Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina và Công ty TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái, thu về lợi nhuận khổng lồ. Đáng chú ý, TPC Vina - một trong những nhà sản xuất nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, với doanh thu đạt trên 5.000 tỷ đồng/năm.
Một tập đoàn khác của Thái Lan là Indorama Ventures cũng tiến hành mua lại 100% Công ty Cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa PET tại Việt Nam, với thị phần khoảng 30%-35%. NNG là nhà cung cấp chai PET chiến lược cho Pepsico Việt Nam.
Củng cố lợi thế, gia tăng vị thế
Trong ngành nhựa Việt Nam, các tập đoàn lớn như SCG (Siam Cement Group), PTT Global Chemical (PTTGC) đã đầu tư toàn diện vào Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau. Bao gồm đầu tư vào sản xuất nguyên liệu đầu vào (như nhựa PVC, PE, PP), thâu tóm các doanh nghiệp sản xuất nhựa thành phẩm (bao bì, ống nhựa, nhựa kỹ thuật) và xây dựng hệ thống phân phối bán hàng, đảm bảo kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay mỗi năm ngành Nhựa cần khoảng 4,5 - 5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 1 triệu tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành Nhựa Việt Nam.
Như vậy, ngành nhựa Việt Nam hơn 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mà trong đó nguyên liệu từ Thái Lan chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 174 nghìn tấn chất dẻo nguyên liệu từ Thái Lan, trị giá 273 triệu USD, chiếm 9,3% tổng lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, việc nắm giữ nguồn nguyên liệu và đầu tư lớn vào các DN sản xuất tại Việt Nam đã giúp các tập đoàn Thái Lan duy trì được vị thế và thu được nhiều lợi ích trên thị trường Việt. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra nhiều thách thức cho các DN Việt trong cạnh tranh.