Muôn hình vạn trạng đầu tư tiền số: Ham giàu nhanh dễ dính lừa đảo
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi tiền số, nhất là Bitcoin, chạm đến những đỉnh cao mới. Mức sinh lời hấp dẫn từ tiền số ngay cả những nhà đầu tư không chuyên cũng không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ này cũng trở thành mỏ vàng cho những kẻ lừa đảo, lợi dụng tâm lý muốn giàu nhanh để thực hiện các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Ma trận đầu tư tiền số
Thời gian qua, những câu chuyện "đổi đời" chóng vánh, từ việc giàu lên nhanh chóng nhờ tiền số xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội đã khơi dậy giấc mơ “làm giàu không khó” của nhiều người. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã liên tục “giăng bẫy” bằng những chiêu trò tinh vi khiến không ít nhà đầu tư tiền số rơi vào cảnh “chơi tiền ảo, mất tiền thật”.
Anh H.V.M (Đồng Nai), một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo đầu tư tiền số đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền tiết kiệm ít ỏi trong nhiều năm qua khi đầu tư đồng tiền số mang tên Bincoin.
Được biết, anh M được một đối tượng tự xưng là chuyên gia tài chính mời gọi đầu tư vào đồng tiền số Bincoin. “Để tăng tính thuyết phục, người này đã cho tôi xem trang web mang tên BITMINER và hứa hẹn rằng tiền số đang là xu hướng đầu tư của thời đại mới, có khả năng sinh lời cao, ‘một vốn bốn lời’. Nghe hấp dẫn nên tôi quyết định ‘tất tay’ cả trăm triệu đồng tiền tiết kiệm để mua đồng Bincoin”, anh nói.
Chỉ đến khi những kẻ này bị cơ quan điều tra đưa ra ánh sáng, anh M mới ngã ngửa khi biết mình bị lừa. “Số tiền tích cóp nhiều năm coi như mất trắng”, anh M chia sẻ.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, cùng với đà tăng nóng của nhiều đồng tiền số sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một loạt các hội nhóm chia sẻ, đầu tư tiền số mọc lên “như nấm sau mưa” với hàng trăm nghìn thành viên.
Dạo một vòng quanh các hội nhóm đầu tư này, dễ nhận thấy có nhiều bài đăng có motip “na ná” nhau, chẳng hạn như “đồng tiền số E. chắc chắn sẽ tăng giá gấp 4 – 5 lần, chỉ cần đầu tư là thu lời” hay “Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, nhà đầu tư đồng B. sẽ lời gấp nhiều lần”. Bên cạnh đó, có không ít tài khoản còn “truyền cảm hứng” với những câu chuyện như: “Sau khi vay 100 triệu để đầu tư tiền số, tôi đã mua được ô tô mới chỉ sau vài tháng chốt lời”.
Tại tọa đàm về phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng, Thượng tá Trần Tiến Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM cho hay, một trong những hình thức lừa đảo nổi lên gần đây là tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để trao đổi, bơm thổi giá trị ảo nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo người chơi.
Để dụ dỗ nạn nhân, các đối tượng không ngần ngại vẽ ra viễn cảnh "sinh lời cao," "thu hồi vốn dễ dàng," hay "đón đầu xu hướng đầu tư," biến những lời hứa hẹn hấp dẫn này thành "mồi nhử" khiến nhiều người sập bẫy.Bên cạnh việc phát minh ra những đồng tiền số không có thật, những kẻ lừa đảo còn “vẽ” ra muôn hình vạn trạng các hình thức lừa đảo khác.
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu Tư của Công ty FDIT, cho biết: “Các mô hình lừa đảo liên quan đến tiền số phổ biến nhất bao gồm các hình thức đa cấp như Ponzi, ICO giả mạo không có dự án thực tế, cũng như chiến lược Pump and Dump nhằm thổi giá để bán tháo và gây thiệt hại cho nhà đầu tư”.
Cụ thể, đối với hình thức Ponzi, trên thế giới cũng đã có không ít các vụ lừa đảo về đầu tư tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi với quy mô lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, mô hình lừa đảo này cũng đã xuất hiện từ rất sớm. Đặc điểm nhận biết của mô hình lừa đảo này là sử dụng các khoản đầu tư của các nhà đầu tư mới để hoàn trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó. Bên cạnh đó, những đối tượng lừa đảo cũng liên tục hứa hẹn lợi nhuận một cách bất chấp, thậm chí “treo thưởng” cho các đối tượng F1 khi họ tìm được F2, F3,…
Tháng 12/2017, vụ lừa đảo liên quan đến dự án tiền số Ifan khiến 32.000 người sập bẫy với tổng số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, để kêu gọi nhà đầu tư, những kẻ cầm đầu đã kêu gọi nhà đầu tư tham gia mua tiền số không có thực này để được hưởng mức lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng với thời gian hoàn vốn chỉ vỏn vẹn 4 tháng.
Chưa kể, bất kỳ ai lôi kéo thêm được người tham gia vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền mà người mới tham gia nộp vào. Sau khi huy động được lượng tiền lớn, những đối tượng này sẽ giải thể công ty để chiếm đoạt.
Trong khi đó, mô hình "Pump & Dump" lại là cách kẻ lừa đảo mua vào số lượng lớn một loại tiền số kém tên tuổi với giá rẻ, sau đó dùng mọi chiêu trò, từ tung tin đồn cho đến tận dụng mạng xã hội, để thổi phồng giá trị đồng tiền. Khi giá đạt mức cao đột biến và thu hút nhiều nhà đầu tư vì tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), chúng nhanh chóng bán tháo toàn bộ số lượng nắm giữ.
Nhiều người chơi tiền điện tử tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của chiêu "bơm - xả" và "rút thảm" nói trên. Khi xu hướng game blockchain nở rộ, hàng loạt dự án mới xuất hiện, lôi kéo người dùng đầu tư vào các token với lời hứa hẹn sinh lời hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi đẩy giá trị token lên cao, những kẻ đứng sau các dự án này bất ngờ bán tháo toàn bộ số lượng họ nắm giữ, khiến giá trị token tụt dốc mạnh mẽ, thậm chí về 0, đẩy người chơi vào cảnh mất trắng.
Công thức chung của những hình thức lừa đảo
Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu Tư, FIDT nhận định, những vụ lừa đảo trong lĩnh vực tiền điện tử đang làm lu mờ và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chung của ngành.
Các vụ việc như Ponzi, ICO giả mạo và các sàn giao dịch lừa đảo không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư mà còn tạo ra sự nghi ngờ và mất niềm tin từ công chúng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tiềm năng e dè khi tiếp cận thị trường, từ đó cản trở sự phát triển và mở rộng của tiền điện tử.
Theo ông Huy, mỗi kịch bản lừa đảo tiền số dù biến hóa đa dạng nhưng đều hướng đến một mục tiêu duy nhất: dẫn dụ lòng tham và đánh lừa nhận thức của nhà đầu tư bằng những hình thức sinh lời “hiếm có khó tìm”.
Chẳng hạn như trong vụ lừa đảo của Công ty Triệu Nụ Cười gây xôn xao dư luận gần đây, những lời mời gọi như “đồng tiền số được 48 quốc gia công nhận”, “bảo chứng bởi di sản của các gia tộc danh giá hàng trăm năm,” hay “chỉ cần ngồi không cũng có tiền đổ về” chỉ cần nghe qua là đã thấy vô lý nhưng hàng nghìn người vẫn sập bẫy. Bởi lẽ, những lời hứa hẹn trên giống như “miếng phô mai” trên chiếc bẫy chuột, hấp dẫn đến mức không chỉ những nhà đầu tư cá nhân, thiếu kinh nghiệm, mà ngay cả các doanh nghiệp – vốn là những người có kiến thức và kinh nghiệm dày dạn trong kinh doanh, đầu tư – cũng không thoát khỏi.
Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu Tư của Công ty FDIT cho hay, khi đứng trước bất kỳ dự án đầu tư tiền số nào, việc đánh giá tính minh bạch và đáng tin cậy là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đó, một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất để xác định liệu dự án đó có lừa đảo hay không chính là các cam kết về lợi nhuận mà dự án đưa ra.
“Một dự án cam kết siêu lợi nhuận, không bao giờ thua lỗ chắc chắn là một dự án lừa đảo. Bởi quy tắc đầu tư là ‘không bao giờ có bữa trưa miễn phí’ và nếu cái gì quá tốt để trở thành sự thật, tức nó không phải là sự thật”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Một dấu hiệu khác để nhận biết dự án lừa đảo là sự mập mờ về tính minh bạch và pháp lý. Không ít những dự án có vẻ ngoài hào nhoáng, hấp dẫn nhưng lại thiếu đi những thông tin cơ bản như địa chỉ công ty, mô hình hoạt động, kế hoạch phát triển dài hạn, hồ sơ pháp lý rõ ràng,... Sự thiếu minh bạch này chính là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo.
Cũng theo ông Huy, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, không chỉ đánh vào tâm lý kỳ vọng sinh lời lớn mà còn sử dụng những yếu tố “bề nổi” để tạo ấn tượng và chiếm được lòng tin của nhà đầu tư. Những kẻ lừa đảo không ngần ngại “chi mạnh” để tạo dựng uy tín giả, từ việc hợp tác với các đối tác “ma”, sử dụng những gương mặt có tầm ảnh hưởng đến tặng những món quà đắt đỏ,... để tăng tính thuyết phục đối với các nhà đầu tư.
“Thế nhưng, tất cả những yếu tố này thực chất chỉ là lớp vỏ bọc hào nhoáng, được dựng lên để dẫn dụ nhà đầu tư rằng đây là một cơ hội đầu tư an toàn và đảm bảo hiệu suất sinh lời vượt trội. Tuy nhiên, một khi nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy của lòng tham và mất đi sự tỉnh táo cần thiết, họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của những chiêu trò lừa đảo,” ông Huy nhấn mạnh.