Tâm điểm mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm 2022
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 5 ngân hàng lên lịch tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 (ĐHĐCĐ năm 2022) gồm ACB, Vietcombank, VIB,... trong đó hầu hết các nhà băng đều trình kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức trong năm nay.
Những ngân hàng đầu tiên "lên lịch"
Không khó để chỉ ra những tác dụng từ mùa đại hội cổ đông đó là việc nhà đầu tư có thể gặp trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp, lắng nghe, phản biện về kế hoạch kinh doanh, phía doanh nghiệp cũng sẽ công bố những thông tin liên quan bao gồm cổ tức năm trước, cổ tức dự kiến, rồi kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, tùy theo từng năm mà mỗi mùa đại hội cổ đông lại có những diễn biến ngắn hạn khác biệt, qua đó tác động đến xu hướng của thị trường chứng khoán. Năm nay, mùa đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của ngành ngân hàng đến sớm hơn năm ngoái.
Đến thời điểm hiện tại, loạt ngân hàng như: ACB, Vietcombank, MBBank, Seabank, VIB… đã gửi thông báo đến cổ đông
Đơn cử tại "ông lớn" Vietcombank (mã: VCB) vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào 8/4 tại Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, KĐT Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Theo đó, ngày 4/3 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/3.
Một ngân hàng tư nhân khác, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) cũng thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 là 15/3. Nội dung, thời gian và địa điểm họp cụ thể chưa được ngân hàng công bố.
Ngoài ra, Ngân hàng Quốc Tế - VIB (Mã: VIB) vừa công bố ĐHĐCĐ sẽ được tổ chức ngày 16/3 tới đây. Ngân hàng ACB (Mã: ACB) cũng thông báo ngày 4/3 là thời hạn đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Đại hội năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.
Tiếp tục sôi động chuyện tăng vốn, chia cổ tức
Điển hình tại Vietcombank, cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay nhằm thông qua các tờ trình như: Báo cáo Hội đông Quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát về hoạt động kinh doanh năm 2021, định hướng năm 2022; Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát,…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục đề xuất NHNN, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tăng vốn, tăng trưởng tín dụng.
“Để đảm bảo vai trò dẫn dắt hệ thống, tiếp tục tham gia cơ cấu lại các tổ chức yếu kém, đề nghị Chính phủ, NHNN có cơ chế đặc thù về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, căn cứ vào quản trị rủi ro, đề nghị NHNN cho phép ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động tăng tín dụng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đề nghị.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.
Trong khi đó tại ACB, cuộc họp sẽ thông qua các tờ trình về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2021; kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022; tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, phương án phát hành, đăng ký bổ sung và niêm yết bổ sung cổ phiếu…
Trước đó, trong năm 2021, ACB đã phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 25%.
Tương tự tại VIB, năm 2022, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho CBNV) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.
Bên cạnh đó, Hội đồng Quản trị VIB sẽ trình ĐHĐCĐ về kế hoạch lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022. Cụ thể, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều nhà băng khác tuy chưa đưa ra kế hoạch ĐHĐCĐ, nhưng cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022.
Chẳng hạn lãnh đạo ngân hàng MSB từng cho biết, ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ. Ngân hàng muốn tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn chung, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Thực tế, 2021 là năm "chạy đua" tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...
Giới chuyên môn đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
Tại báo cáo Triển vọng thị trường năm 2022, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng cho rằng việc tăng vốn sẽ là một chất xúc tác cho ngành ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là tại các ngân hàng nhà nước (như BIDV, VietinBank và Vietcombank).