Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Eximbank có tân Chủ tịch; VNPost chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB
Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: VNPost chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB vẫn ‘ế’ khách; Bà Lương Thị Cẩm Tú trở lại 'ghế' Chủ tịch Eximbank; Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank dự báo vượt 36.700 tỷ đồng;...
VNPost chào bán hơn 122 triệu Cổ phiếu LPB vẫn ‘ế’ khách
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đã hết hạn đặt mua cổ phiếu LPB của LienVietPostBank do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) bán đấu giá. Tuy nhiên, chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 800 cổ phiếu. Không có nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước nào tham gia đợt đấu giá này.
Trước đó, gần 122,2 triệu cổ phiếu LPB (10,15% vốn điều lệ ngân hàng) mà VNPost sở hữu sẽ được chào bán với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cp, tương đương hơn 3.500 tỷ cho toàn bộ lô cổ phần. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc kéo dài từ ngày 25/1 đến 16/2. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 23/2.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, trong phiên (26/1), cổ phiếu LPB tăng kịch trần, đóng cửa ở 24.600 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này tăng đột biến lên gần 34,5 triệu đơn vị. Mã này tăng kịch trần phiên thứ hai liên tiếp.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) thông báo chính thức bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) kể từ ngày 17/02/2022 thay cho ông Yasuhiro Saitoh vừa bị miễn nhiệm.
Trước đó, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất trong HĐQT nhiệm kỳ cũ được giữ lại nhiệm kỳ mới với tỷ lệ phiếu bầu 62.16%. Ngoài việc tự đề cử, bà Tú còn nhận được sự ủng hộ của CTCP Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân khác.
Bà từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) từ tháng 4/2015 - tháng 3/2018. Trước khi làm Tổng giám đốc Nam A Bank, bà Tú từng có thời gian dài gắn bó với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dưới vai trò lãnh đạo.
Vào tháng 4/2018, bà Tú trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank và cũng là người duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bầu bổ sung vào HĐQT ngân hàng trong thời điểm đó.
Đáng chú ý, trong phiên ATC hôm 16/2, gần 21 triệu cổ phiếu EIB được trao tay thỏa thuận với mức giá sàn 34.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch là hơn 726 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu này tương đương với xấp xỉ 1,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.
Giao dịch thỏa thuận đột biến của cổ phiếu này xảy ra ngay một ngày sau khi Eximbank tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 lần 2 sau nhiều lần bất thành.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank dự báo vượt 36.700 tỷ đồng
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vietcombank sẽ đạt 36.758 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, nhờ vào giảm trích lập dự phòng (giảm 36% so với cùng kỳ).
Đồng thời, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến sẽ được bình thường hóa, ở mức 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng thu nhập lãi được dự báo là 16% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023.
Trong đó, thu nhập từ phí bancassurance được điều chỉnh tăng lên khi phản ánh mức tăng trưởng 60% năm 2022, trước khi được ước tính sẽ tăng chậm lại trên nền cao trong năm 2023.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ thuần được dự báo sẽ tăng 20% vào năm 2022 và 12% vào năm 2023. Thu nhập từ thu hồi nợ xấu cao trong năm 2021 dự kiến sẽ không duy trì sang năm 2022, dẫn đến giảm tăng trưởng so với cùng kỳ của thu nhập ngoài lãi khác.
Tổng thu nhập hoạt động năm 2022-2023 được ước tính lần lượt đạt 64.629 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và 76.465 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chiến dịch miễn phí phí giao dịch gần đây của ngân hàng được ước tính sẽ làm giảm 3-4% thu nhập từ ngân hàng số. Song, CASA sẽ được hưởng lợi từ việc này. CASA của ngân hàng dự báo đạt 35% vào năm 2022 và 36% vào năm 2023, dù kỳ vọng lãi suất sẽ tăng.
Chi phí tín dụng biên đối với khách hàng dự kiến không đổi trong giai đoạn 2022-2023, duy trì ở mức 1%, nhưng việc hoàn nhập khoản dự phòng cho khoản nợ xấu liên ngân hàng sẽ kéo tổng chi phí dự phòng sụt giảm mạnh.
Chi phí dự phòng được ước tính ở mức 7.500 tỷ đồng, trong đó 10.500 tỷ đồng dự phòng cho các khoản cho vay khách hàng và 3.000 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cho khoản nợ xấu cho vay liên ngân hàng đã được trích lập đủ.
Agribank rao bán lô "phế liệu" giá trăm triệu để thu hồi nợ
Vừa qua, ngân hàng Agribank đăng tải rao bán thêm nhiều tài sản để xử lý, thu hồi nợ.
Cụ thể, Agribank cũng mới rao bán tiếp 2 bất động sản ở quận 2, TP.HCM. Trong đó, Biệt thự Lô G01 Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên, phường An Phú, quận 2, Tp. HCM có diện tích 307,4m2 giá khởi điểm hơn 43 tỷ đồng. Ngoài ra, một BĐS khác rộng 514,4m2 tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, Tp. HCM được rao bán giá hơn 30 tỷ đồng. Giá khởi điểm đã giảm khoảng 3 tỷ đồng so với lần rao bán trước.
Agribank Trung tâm Sài Gòn rao bán một lúc 6 khoản nợ, gồm khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phương Nguyên và 5 khách hàng cá nhân, có tổng nợ hơn 200 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là Dự án Khu dân cư lô số 49, Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, Quận Cái Răng, Tp.Cần Thơ do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 làm chủ đầu tư. Giá khởi điểm của khoản nợ bằng với dư nợ gốc, chỉ gần 64 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Agribank chi nhánh Bình Thạnh đang rao bán lô tài sản xe, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu thanh lý, đã qua sử dụng. Các tài sản này đều đã hư hỏng hoàn toàn và nhiều bộ phận bị tháo rời.
Cụ thể, lô tài sản gồm 1 chiếc xe ô tô bán tải nhãn hiệu Madza, 1 chiếc xe xúc lật hiệu CAT 910, 1 chiếc xe nâng hiệu Kmassu 30, 3 hệ thống băng chuyền nghiền bột đá, 107 bao đá (đá 1, 2 + 24 đá tạo màu).
Xe được mô tả đã hư hỏng hoàn toàn, các bộ phận: máy, các bộ phận phụ trợ, điện, taplo điều khiển,... đã bị tháo rời, nội – ngoại thất đã hư hỏng hoàn toàn, vỏ xe, mân xe và gầm xe rỉ sét, xe không còn khả năng sửa chữa để đem vào tái sử dụng. Mặt khác, giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản (Giấy đăng ký xe ô tô; Giấy đăng kiểm và một số giấy tờ khác) không còn.
Toàn bộ tài sản trên đang được để tại Nhà xưởng số 03 của Công ty TNHH May Thiên Kim tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B1, xã Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm cho tài sản là 166,05 triệu đồng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế, phí, chi phí tháo dỡ, bóc xếp, vận chuyển,…
BVSC dự báo lợi nhuận năm 2022 của 6 ngân hàng này tăng trưởng trên 20%, một nhà băng tăng gần 60%
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VietinBank năm nay có thể tăng trưởng tới gần 60%, đạt 22.356 tỷ đồng, vượt qua cả Techcombank.
Đối với Techcombank, trong năm 2021, ngân hàng nãy đã thực hiện trích lập 100% nợ tái cơ cấu mà không cần phân bổ trong 3 năm. Điều này làm giảm áp lực trích lập dự phòng cũng như tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho Techcombank trong những năm tới.
Đối với MB, với vị thế ngân hàng lớn, cung cấp đầy đủ các tiện ích và miễn phí cùng với các chiến lược marketing thú vị, BVSC cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì được vị thế ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hàng đầu.
Ở khía cạnh khác, xét về giá cổ phiếu, các mã CTG, TCB, ACB, MBB, OCB đều được BVSC nhận định có dư địa tăng giá trên 15% trong năm nay.
Tuy nhiên, với riêng TPB, với nhiều yếu tố như huy động vốn thành công, cải thiện tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động quý IV/2021 khả quan, giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong 3 tháng qua, vượt qua mức giá mục tiêu của nhóm phân tích. Do đó, BVSC đang xem xét lại khuyến nghị, dự báo và giá mục tiêu cho TPB.