Tâm thế doanh nhân Việt Nam: Vững vàng và bước tới

77 năm đã qua từ ngày 13/10/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới giới Công Thương (nay là doanh nhân), lớp lớp các doanh nhân đã và đang đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Dịp Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2022 này cũng là thời điểm đất nước đang xốc lại, đi tới sau đại dịch. Và trên hành trình đó, các doanh nhân đang cùng nhau gắn kết và phát triển để tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế vững vàng cho đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tâm thế doanh nhân Việt Nam: Vững vàng và bước tới - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu tại chương trình Tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Tại buổi lễ, Thủ tướng đã nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới luôn dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, Người chỉ đạo: Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước.

Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi chúng ta. Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước". Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Thủ tướng cũng nhắc lại thời điểm 1 năm trước, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Khi ấy, hàng vạn doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Nhưng cũng có hàng vạn doanh nghiệp khác vẫn đương đầu với cơn sóng cả. Hơn nữa, các doanh nhân, doanh nghiệp còn tích cực đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch. Hàng nghìn tỷ đồng đã được quyên góp vào Qũy Vắc-xin, thuốc men, hàng hóa, lương thực cũng đã được các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cộng đồng.

Có thể nói, tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp đã "chung lưng, đấu cật" với hệ thống chính trị đối mặt với những bối cảnh rất khó khăn, không có tiền lệ, ngoài dự báo. Đối mặt với tình hình được ví như "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng dưới đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã vượt qua thách thức. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong gian khó đã tôi luyện mỗi doanh nhân thêm nội lực, bền chí, vững lòng.

2 năm đại dịch dù chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng qua đó, doanh nhân, doanh nghiệp đã thể hiện niềm tin vào các quyết sách của Đảng và Nhà nước. Để từ đó những con số thống kê về GDP, các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, những đánh giá đầy triển vọng của các tổ chức quốc tế như chùm quả ngọt cho nỗ lực của hệ thống chính trị và doanh nhân, doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Bức tranh kinh tế đã mang màu tươi tắn. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra: GDP quý III tăng cao 13,67%; 9 tháng đầu năm tăng 8,83% (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (vai trò trụ đỡ) tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng (vai trò động lực tăng trưởng) tăng 9,63% (IIP 9 tháng toàn ngành công nghiệp tăng 9,6% và 61/63 địa phương có chỉ số IIP tăng); khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%); các ngành, lĩnh vực kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng là trên 163 nghìn, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui; xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện đạt 15.3 tỷ USD, tăng 16.4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với những đột phá quan trọng. An sinh xã hội (Hơn 1 năm qua, đã hỗ trợ khoảng 86 nghìn tỷ đồng cho khoảng 56 triệu lượt người lao động và trên 850.000 người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, 126, 116 của Chính phủ), trật tự an toàn được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường, xử lý hài hòa, phù hợp (Việt Nam trở thành một trong các phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trúng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc).

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và thích ứng phù hợp.

Đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân không ngừng được nâng cao (thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng/tháng - tăng 143.000 đồng so với quý 2 và tăng đến 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay..." .

Tâm thế doanh nhân Việt Nam: Vững vàng và bước tới - Ảnh 2
Vững vàng bước tới

Thành quả của các doanh nhân, doanh nghiệp ngày hôm nay được hun đúc từ sức sáng tạo, nỗ lực lao động không ngừng nghỉ và sự hỗ trợ nhiều mặt từ Đảng và Nhà nước. Thành quả đó cũng là động lực để mỗi doanh nhân vững vàng, bước tới trên con đường làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội và góp thêm vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, các phương thức sản xuất, kinh doanh mới ra đời và tác động của đại dịch cũng đặt ra cho mỗi doanh nhân những thách thức chưa từng có tiền lệ. Để đạt được vinh quang, bắt buộc doanh nhân và doanh nghiệp phải tìm ra lối đi, khai phá những điều chưa ai làm, sáng tạo và thích ứng tốt hơn.

Các quan niệm trước đây, các thế mạnh về vốn, về tài nguyên, về lao động giá rẻ không còn là lợi thế nữa, mà tài nguyên tri thức mới là hàng đầu, mới là vô tận. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nhân tiếp tục thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh, nhất là tận dụng lợi thế mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại nhằm nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, trong sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc đảm bảo lợi nhuận doanh nhân cần quan tâm đến bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và có nhiều đóng góp hơn nữa cho các hoạt động an sinh xã hội.

Theo một khảo sát gần đây do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cả nước hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động cùng với khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với nhiều dự án tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn, năng lực quản trị tốt, công nghệ hiện đại trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người. Trong đó, Việt Nam đã có 6 doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH, gạo ST25…

Hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc từng là ước mơ cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, của người người, lớp lớp dân ta suốt hàng ngàn năm, nhưng chưa bao giờ ở gần chúng ta đến thế, và chính đội ngũ doanh nhân sẽ là lực lượng xung kích góp phần đưa đất nước hiện thực hóa khát vọng đó. Hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định, các doanh nhân là lực lượng nòng cốt, lực lượng trung tâm trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Chính vì vậy, đội ngũ doanh nhân phải có khát vọng to lớn. Khát vọng lớn sẽ làm cho khó khăn nhỏ đi. Khát vọng lớn sẽ thu hút được nhiều người tài giỏi đứng bên mình và đi với những người tài giỏi tầm nhìn của chúng ta sẽ lớn lên. Khát vọng lớn sẽ xây dựng cho mình sức mạnh nội tâm rất lớn.

Vì vậy, một doanh nhân muốn nghĩ xa phải lấy hoài bão, khát vọng của dân tộc làm mục tiêu để vững vàng bước tới.

... Như con sóng ngoài trùng khơi cuộn sôi trong lòng biển/ Doanh nhân Việt Nam với niềm tin dâng trào/ Cùng ý chí vững vàng, cho quê hương đẹp giàu/ Vươn tầm sải cánh bay lên Việt Nam... Đó là lời trong bài hát Khát vọng Việt Nam, thơ Phạm Hồng Điệp, nhạc Xuân Bính.

Đất nước ta đã có nhiều doanh nghiệp tỷ đô la, những cũng đang có hàng vạn doanh nghiệp đã và đang hoạt động với khát vọng doanh nhân thành triệu phú, tỷ phú đô la. Nhiều doanh nhân, nhiều công dân có khát vọng và hành động thì cả dân tộc cũng hành động và khát vọng. Đất nước sẽ hóa rồng từ khát vọng và hành động của dân tộc.

Sơn Hà

Theo Kinh doanh và Phát triển