Tập đoàn FLC xin điều chỉnh tiến độ loạt dự án tại Thanh Hóa
Hiện nay, Tập đoàn FLC có 7 dự án trong đó có một số dự án đã được đầu tư hoàn chỉnh nhưng có một số dự án không hiệu quả, đầu tư dang dở.
Tập đoàn FLC vừa có công văn số 399 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chấp thuận chủ trương gia hạn tiến độ thực hiện các dự án của tập đoàn này đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo công văn, tại tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn FLC có 7 dự án trong đó có một số dự án đã được đầu tư hoàn chỉnh nhưng có một số dự án không hiệu quả, đầu tư dang dở.
Cụ thể, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC có tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng được Tập đoàn FLC khởi công xây dựng vào năm 2014. Gần một năm sau ngày khởi công (ngày 12/7/2015), đại dự án khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort với quy mô 200ha bao gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, câu lạc bộ... chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nằm trong quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn này, khách sạn FLC Grand Hotel có quy mô 15 tầng, xây dựng trên diện tích 3,6ha với tổng mức đầu tư 921,5 tỷ đồng từng bị cơ quan chức năng chỉ ra là FLC tổ chức thi công hoàn thiện công trình khi chưa có giấy phép xây dựng. Cạnh đó, khách sạn 7 tầng FLC Luxury có với tổng diện tích hơn 4.000 m2 cũng được chủ đầu tư thi công, đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép...
Một trường hợp khác là dự án FLC Sầm Sơn Golf Links nằm tại nơi giao thoa giữa biển và sông Mã, giáp khu du lịch biển Sầm Sơn. Hạng mục trung tâm của dự án này là sân golf 18 lỗ có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng từng xác định tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sân golf trước 11 tháng so với thời điểm Thủ tướng đồng ý bổ sung vào danh mục quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Ở dự án này, tỉnh Thanh Hóa đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ để FLC thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC khi chưa đủ các điều kiện quy định theo nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Việc chuyển đổi mục đích này cũng vi phạm quy định tại các quyết định của Thủ tướng.
Với dự án khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa nằm trên đại lộ Võ Nguyên Giáp (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, công trình gồm tòa nhà hỗn hợp cao 18 tầng (tại Lô C5), công trình hỗn hợp cao 6 tầng (tại Lô C4) và các công trình phụ trợ kèm theo. Năm 2017, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống còn 291 tỷ đồng.
Năm 2014, Tập đoàn FLC được UBND tỉnh giao 4.200m2 đất thực hiện tòa nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại, nhà ở chung cư cao tầng và cho thuê hơn 11.500m2 đất để thực hiện dự án khu thương mại và khuôn viên cây xanh, hành lang khu vực quanh 2 tòa nhà. Cơ quan thanh tra từng xác định việc tham mưu giao đất không qua đấu giá tại khu đất thực hiện dự án với diện tích hơn 11.500m2 có dấu hiệu tội phạm...
Ở dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long, dự án này có tổng số vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Dự án có gần 287ha đất nằm trên địa bàn TP. Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa được giao cho chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 9/2015. Nhưng sau khi xây dựng cổng chào và một số hạng mục, dự án tạm dừng thi công cho đến nay.
Một số dự án khác như: nhà máy gạch Tuynel FLC; xây dựng công trình bến thủy nội địa FLC (chưa được giao đất, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để chấp thuận chủ trương đầu tư) và dự án không gian du lịch ven biển phía đông đang đầu tư dang dở...
Sau khi nhận được công văn, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, nghiên cứu đề nghị của CTCP Tập đoàn FLC; căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế, có văn bản hướng dẫn Tập đoàn FLC thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đúng quy định; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.