Tập đoàn Hà Đô: Mảng BĐS kinh doanh kém sắc, cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm

CTCP Tập đoàn Hà Đô mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất (1/1/2024-31/12/2024) với kết quả kinh doanh kém sắc hơn cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế giảm 13% do doanh thu bất động sản giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty phải thực hiện trích lập dự phòng khoản phải thu tiền điện từ EVN của dự án HP4.

Tập đoàn Hà Đô: Mảng BĐS kinh doanh kém sắc, cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm - Ảnh 1

Cụ thể, quý 4/2024, tập đoàn Hà Đô ghi nhận 755 tỷ đồng doanh thu thuần và 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 43% lên mức 19,1 tỷ đồng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều được tiết giảm mạnh tới 57% - 82%, ghi nhận lần lượt là 64 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng tới 134% lên mức 225,5 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất (1/1/2024-31/12/2024) của Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất (1/1/2024-31/12/2024) của Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  

Lũy kế cả năm 2024, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận 2.719,2 tỷ đồng doanh thu thuần và 753 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, lần lượt hoàn thành 94% mục tiêu doanh thu và 77% mục tiêu lãi năm 2024.

Về cơ cấu doanh thu, mảng năng lượng đóng góp đến 70% tổng doanh thu của tập đoàn với số doanh thu đạt 1.891 tỷ đồng; theo sau là mảng bất động sản với tỷ lệ 14% đạt hơn 413,6 tỷ đồng và mảng dịch vụ khách sạn chiếm 17% đạt 127,86 tỷ đồng.

Nếu tính riêng trong quý 4/2024, sản lượng thuỷ điện của Tập đoàn Hà Đô đã tăng tới 37% so với quý 3/2024 khi mùa mưa đến và chu kỳ La Nina diễn ra.

Với mảng bất động sản, Hà Đô đang có 822 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho thuộc bất động sản đang xây dựng, so với đầu kỳ, con số này đã có xu hướng giảm.

Bảng chi phí xây dựng dở dang tại BCTC hợp nhất Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  
Bảng chi phí xây dựng dở dang tại BCTC hợp nhất Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025, ông Nguyễn Trọng Minh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục lùi kế hoạch mở bán các sản phẩm cuối cùng của dự án Hado Charm Villas (Hà Nội) sang 2025. Việc này xuất phát chủ yếu do Tập đoàn Hà Đô chưa có nhu cầu sử dụng vốn trong khi nguồn tiền dự trữ hiện có khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án vướng mắc pháp lý do không có yếu tố đất ở để triển khai đầu tư như Dự án Linh Trung, Green Lane, Phan Đình Giót tiếp tục chờ hướng dẫn cụ thể của Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Do đó, tập đoàn vẫn chú trọng tìm kiếm dự án mới với tình trạng pháp lý sẵn sàng có thể triển khai đầu tư để tăng thêm quỹ đất, tạo động lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Tính đến ngày 31/12/2024, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận tổng cộng tài sản 13.935 tỷ đồng, giảm 503 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn với hơn 10.584 tỷ đồng.

Bảng cân đối kế toán hợp nhất của Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  
Bảng cân đối kế toán hợp nhất của Tập đoàn Hà Đô (Ảnh chụp màn hình)  

Bước sang năm 2025, lãnh đạo tập đoàn Hà Đô đánh giá hứa hẹn là năm đổi mới, các quyết sách của Chính phủ sẽ dần được đưa vào thực tế. Tập đoàn Hà Đô cũng kỳ vọng 2025 sẽ có thêm nhiều bước tiến mới trong việc mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như lĩnh vực năng lượng.

Vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô đã đề ra các chiến lược cụ thể như kiện toàn bộ máy nhân sự, tối ưu hóa vận hành các nhà máy năng lượng hiện có, mở rộng danh mục đầu tư dự án năng lượng mới...; tìm kiếm cơ hội M&A các dự án; tháo gỡ vướng mắc tồn tại các dự án đầu tư bất động sản; và tăng cường kiểm soát chất lượng.

Hà Thu

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam