Tập đoàn Hanaka: Lợi nhuận giảm 82%, nợ phải trả vượt 4.600 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính riêng cho năm tài chính kết thúc tại ngày 31/3/2024, Tập đoàn Hanaka báo lãi sau thuế hơn 12,3 tỷ đồng, giảm tới 82,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 31/3/2024, nợ phải trả của công ty hơn 4.602 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu gần 2.850 tỷ đồng.
Lợi nhuận lao dốc
Theo báo cáo tài chính riêng cho năm tài chính kết thúc tại ngày 31/3/2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka (Tập đoàn Hanaka) vừa công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong kỳ đạt hơn 1.138,9 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 183,1 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của Tập đoàn Hanaka bất ngờ tăng vọt gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, từ mức hơn 69,7 tỷ đồng lên 106,7 tỷ đồng. Trong đó, lãi tiền vay lên tới hơn 106,3 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 357,2 triệu đồng.
Kết thúc kỳ, Tập đoàn Hanaka báo lãi sau thuế hơn 12,3 tỷ đồng, giảm tới 82,3% so với cùng kỳ năm 2023 (báo lãi hơn 69,6 tỷ đồng).
Trên bảng cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của Tập đoàn Hanaka tại ngày 31/3/2024 là hơn 7.451,9 tỷ đồng; giảm hơn 1.092 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 12,8% so với hồi đầu năm.
Tập đoàn Hanaka hiện có hơn 263,4 triệu đồng tiền mặt và hơn 3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hơn 1.007 tỷ đồng, gồm hơn 554,2 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn; hơn 337,7 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác và hơn 115 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Tại ngày 31/3/2024, hàng tồn kho của Tập đoàn Hanaka hơn 2.687 tỷ đồng, tăng 79,3% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang hơn 2.649,6 tỷ đồng, gồm: hơn 247,4 tỷ đồng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá; hơn 1.484,9 tỷ đồng Khu công nghiệp Gia Bình; Khu đô thị Hanaka hơn 913,5 tỷ đồng và hạng mục khác hơn 3 tỷ đồng.
Ở phần tài sản dài hạn, các khoản phải thu dài hạn của công ty chiếm 21,2% tài sản dài hạn. Trong đó, phải thu dài hạn của khách hàng hơn 607,7 tỷ đồng, chủ yếu gồm: ông Mẫn Ngọc Hồng Kông hơn 368,3 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Minh Phương hơn 108,6 tỷ đồng; ông Mẫn Ngọc Hồng Đức hơn 108,4 tỷ đồng.
Theo thuyết minh của công ty thì các khoản của 3 ông, bà nêu trên là khoản phải thu về tiền chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Hana-Korea.
Tính đến ngày 31/3/2024, nợ phải trả của Tập đoàn Hanaka là hơn 4.602,7 tỷ đồng; tăng 23,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 1.565,4 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 3.037,2 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 31/3/2024 là hơn 2.849,2 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hanaka gấp 1,6 lần. Điều này cho thấy Tập đoàn Hanaka sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Thế chấp Khu đô thị Hanaka, quyền sử dụng đất, nhà xưởng,… vay ngân hàng
Tổng nợ vay của Tập đoàn Hanaka hiện hơn 3.826 tỷ đồng, chiếm 83,1% nợ phải trả của công ty. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.245,1 tỷ đồng (tăng 41% so với hồi đầu năm); vay và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận hơn 2.580,9 tỷ đồng (tăng 35% so với hồi đầu năm).
Đối với vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, Tập đoàn Hanaka có khoản vay gần 99,5 tỷ đồng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Bắc Ninh.
Đây là khoản vay để bổ sung vốn lưu động thực hiện sản xuất kinh doanh máy biến áp, dây cáp điện năm 2021-2022, với lãi suất 10,5%/năm. Tài sản đảm bảo là nhà điều hành, nhà kho, nhà xưởng, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội bộ,… gắn liền với đất thuộc sở hữu của Tập đoàn Hanaka và quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của bên thứ 3. Đến thời điểm phát hành báo cáo, công ty chưa gia hạn hợp đồng cấp tín dụng trên.
Tiếp đến là khoản vay hơn 129,8 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Sở giao dịch 1. Thời hạn cấp hạn mức đến hết ngày 30/9/2024. Khoản vay được đảm bảo bằng bằng tài sản, hàng hoá, vật tư và quyền đòi nợ/các khoản phải thu hình thành từ nguồn vốn tài trợ của BIDV.
Cùng với đó là khoản vay hơn 264,7 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Kinh Bắc. Khoản vay được bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lại dự án đô thị để tạo vốn đối ứng thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng đường TL277 từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong; 120 quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị để tạo vốn đối ứng thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng đường ĐT 277 từ thị xã Từ Sơn đi thị trấn Chờ. Ngoài ra, công ty còn có khoản vay bà Hoàng Thị Thanh Huyền hơn 356,7 tỷ đồng (lãi suất áp dụng trong năm là từ 12,5%/năm đến 18,5%/năm).
Bên cạnh đó, vay dài hạn đến hạn trả của Tập đoàn Hanaka ghi nhận hơn 393,4 tỷ đồng, gồm hơn 18 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Sở giao dịch 1; hơn 142,5 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Vạn Phúc; hơn 230,2 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Kinh Bắc,…
Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Tập đoàn Hanaka hiện hơn 2.580,9 tỷ đồng. Cụ thể, gồm khoản vay hơn 497,6 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Kinh Bắc. Tài sản đảm bảo cho khoản vay khá đa dạng gồm quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở…
Bên cạnh đó, khoản vay cũng được đảm bảo bằng dự án KĐT Hanaka để tạo vốn đối ứng cho dự án ĐTXD Đường TL277 theo hợp đồng thế chấp dự án đầu tư (ngày 12/2/2018); quyền tài sản và toàn bộ quyền, lợi ích phát sinh từ dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở 3,6ha và 2,1ha tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong,...
Tiếp đó là khoản vay hơn 160,8 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Bất động sản Hồng Kông. Đây là khoản vay để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thời hạn vay kể từ ngày 17/1/2023 đến khi thanh toán hết công nợ.
Cùng với đó là khoản vay hơn 233,4 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam, với lãi suất tại thời điểm ký hợp đồng là 9,6%/năm; khoản vay được đảm bảo bằng các tài sản hình thành trong tương lai từ nguồn vốn vay trên tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Sở giao dịch 1.
Đáng chú ý, Tập đoàn Hanaka có khoản vay lớn lên tới 1.688,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Vạn Phúc. Đây là khoản vay có thời hạn vay 78 tháng, lãi suất được quy định trên từng khuế ước nhận nợ. Khoản vay được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ việc triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gia Bình II, tỉnh Bắc Ninh và quyền sử dụng đất các lô đất chưa bán của dự án Khu đô thị Hanaka, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka.