Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo lãi khủng, nhưng nợ và hàng tồn kho lại tăng mạnh
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, Tập đoàn Hoa Sen đạt lợi nhuận 3.372 tỷ đồng, tăng 381% so với cùng kỳ và vượt xa kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nợ phải trả tại HSG chiếm tới 61% tổng tài sản, hàng tồn kho tăng mạnh 111%. Đồng thời, các khoản phải thu cũng tăng 86%.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2020 - 2021 (tức là ba tháng từ 1/4 đến 30/6/2021).
Riêng quý 3/2021 (từ 1/4 đến 30/6/2021), doanh thu thuần tại Hoa Sen đạt gần 12.984 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2020. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.702 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ 1/10 đến 30/6/2021), sản lượng bán hàng của Hoa Sen là trên 1,69 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ. Doanh thu hơn 32.929 tỷ, lãi sau thuế tại HSG đạt hơn 3.372 tỷ, tăng trưởng lần lượt 72% và 381%.
Với kết quả này, Hoa Sen đã thực hiện 94% kế hoạch sản lượng, 99,8% mục tiêu doanh thu và 225% mục tiêu lợi nhuận toàn niên độ.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản tại HSG tăng 42% so với đầu năm (1/10/2020). Tổng tài sản tăng chủ yếu do giá trị hàng tồn kho tăng mạnh 111% so với đầu năm, lên mức hơn 11.712 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản. Trong đó, tăng chủ yếu là nguyên vật liệu lên mức hơn 5.649 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 5 lần so với đầu năm; thành phẩm cũng tăng 103%, lên mức gần 3.430 tỷ đồng.
Không chỉ riêng Tập đoàn Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp thép như Nam Kim, Việt Ý,... hiện cũng đang tích trữ hàng tồn kho 'khủng'. Tuy nhiên, chỉ số hàng tồn kho cao cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất, đó là biến động giá nguyên vật liệu, bởi không có mặt hàng nào cứ tăng mãi mà không có điều chỉnh.
Thử hai là quan hệ cung - cầu, khi cung vượt quá cầu sẽ dẫn tới tình trạng thừa cung, dẫn đến biến động giá. Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch, nhiều nước “từ chối” nhập hàng từ Trung Quốc nên Việt Nam được hưởng lợi.
Thực tế, hàng tồn kho quá lớn sẽ khiến cho dòng vốn bị đọng lại. Doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng do lo ngại rủi ro giá nguyên vật liệu tăng mạnh và có nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và các đơn hàng đã ký lại là điều tốt, nhưng nếu tồn kho là vì không bán được hàng do nhu cầu mua giảm sút lại là vấn đề khác.
Bên cạnh hàng tồn kho tại HSG tăng mạnh, tính đến cuối tháng 6/2021 các khoản phải thu cũng tăng 86% lên mức 3.765 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ghi nhận gần 2.908 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm.
Cũng tại thời điểm cuối quý 2/2021, tổng dư nợ đi vay tại HSG ghi nhận hơn 7.075 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Vietcombank cho HSG vay hơn 1.512 tỷ đồng (bao gồm dài hạn và ngắn hạn); ngân hàng Vietinbank cũng đang cho vay 2.794 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng MSB với 120,4 tỷ đồng; ngân hàng BIDV gần 245 tỷ đồng;...
Hơn nữa, vay dài hạn từ ngân hàng và nợ dài hạn thuê tài chính tại HSG cũng đã đến hạn trả. Do đó, thời gian này doanh nghiệp ít nhiều cũng gặp áp lực.