Định giá cổ phiếu Hoa Sen Group HSG ở mức hấp dẫn
Nếu lấy giá 41.250 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 28/5/2021 thì hệ số PE của HSG là 7,5 lần, thấp hơn so với trung bình ngành thép và cũng thấp hơn so với trung bình toàn thị trường.
Trong giai đoan vừa qua, giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã có diễn biến tích cực. Nguyên nhân chính của việc này là HSG đã có một thành tích đáng nể khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng liên tục trong 6 quý liên tiếp, từ 1/10/2019 đến 31/3/2021. Nhờ đó, hệ số EPS trượt của 4 quý gần nhất cũng liên tục gia tăng, và đạt mức 5.485 đồng/cổ phiếu vào cuối quý 2 NĐTC 2020-2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021) và hệ số ROE trượt 4 quý gần nhất đạt mức 35%.
Nếu lấy giá 41.250 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 28/5/2021 thì hệ số PE của HSG là 7,5 lần, thấp hơn so với trung bình ngành thép và cũng thấp hơn so với trung bình toàn thị trường.
Trong 9 quý vừa qua (từ 1/1/2019 đến 31/3/2021), HSG đã tăng trưởng mạnh mẽ cả doanh thu và lợi nhuận gộp. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kép bình quân theo quý (CAGR theo quý) của doanh thu là 5,8% và của lợi nhuận gộp là 12,1%.
Điểm sáng đáng lưu ý là doanh thu tăng, đồng thời biên lợi nhuận gộp của HSG vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động từ 15% - 18% trong 6 quý liên tiếp. Kết quả này xuất phát từ chính nội lực của HSG. Đó là sức mạnh của hệ thống phân phối với hơn 536 chi nhánh - cửa hàng trên toàn quốc và chất lượng sản phẩm vượt trội khi ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn nhập khẩu sản phẩm của HSG ở thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng, công tác quản lý chi phí vẫn được triển khai hết sức hiệu quả tại HSG. Cụ thể, chi phí tài chính tiếp tục giảm một cách đáng kể, chỉ còn 117 tỷ đồng trong quý 2 niên độ tài chính 2020 -2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021), giảm hơn 42% so với quý 2 niên độ tài chính 2018 - 2019 (từ 1/1/2019 đến 31/3/2019). Nguyên nhân chính là do HSG đã giảm gần 4.200 tỷ đồng các khoản vay ngân hàng, từ mức 10.900 tỷ đồng tại quý 2 niên độ tài chính 2018-2019 (từ 1/1/2019 đến 31/3/2019) xuống còn 6.700 tỷ đồng tại quý 2 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021), đưa hệ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu xuống mức 0,8 lần
Ngoài ra, hệ thống ERP tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tối ưu hóa toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh, do đó chi phí quản lý tiếp tục giảm xuống hơn 50 tỷ đồng/quý, từ mức 120 tỷ tại quý 2 niên độ tài chính 2018-2019 (từ 1/1/2019 đến 31/3/2019) xuống còn 70 tỷ đồng tại quý 2 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021).
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng ghi nhận sự gia tăng 214 tỷ đồng so với quý 2 niên độ tài chính 2018-2019, tương đương tăng 49%. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chi phí bán hàng vẫn tăng chậm hơn khi so sánh với tốc độ tăng doanh thu (57%) và lợi nhuận gộp (150%).
Như vậy, có thể khẳng định, công tác quản lý chi phí của HSG hết sức hiệu quả khi tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/doanh thu đã được liên tục kéo giảm từ 13,8% về 8,4% vào cuối quý 2 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021).
Mới đây, HSG đã công bố ước kết quả kinh doanh tháng 4/2021. Theo đó, sản lượng tiêu thụ ước đạt 216.390 tấn; doanh thu ước đạt 4.550 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ước đạt 538 tỷ đồng, tăng trưởng 498% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/4/2021), sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt 1.295.119 tấn, hoàn thành 72% kế hoạch; doanh thu ước đạt 24.496 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.208 tỷ đồng, tăng trưởng 368% so với cùng kỳ, hoàn thành 147% kế hoạch.
Như vậy, 7 tháng niên độ tài chính 2020-2021, lợi nhuận sau thuế của HSG đã đạt gần gấp đôi so với lợi nhuận sau thuế của cả niên độ tài chính 2019-2020.
Kết quả kinh doanh ghi nhận liên tục tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian vừa qua đã cho thấy những năng lực cạnh tranh mạnh mẽ mà HSG đã xây dựng từ trước mới là yếu tố then chốt mang lại cho HSG đà tăng trưởng bền vững như hiện tại. HSG hoàn toàn tự tin sẽ tiếp tục gia tăng thị phần, mang về lợi nhuận bền vững trong thời gian tới.