Tập đoàn LG: Hành trình mở rộng đầu tư và doanh số hàng tỷ USD ở Việt Nam
Tập đoàn LG đã đầu tư vào Việt Nam hơn 9 tỷ USD và cam kết rót thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới. Điều này khẳng định chiến lược phát triển Việt Nam thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu quan trọng trong khu vực của LG.
Tập đoàn LG Corporation, viết tắt của 'Lucky-Goldstar', là một tập đoàn công nghiệp nặng đa quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1947 bởi ông Koo In-hwoi. Trụ sở chính của LG đặt tại Seoul, Hàn Quốc. Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như điện tử tiêu dùng, thiết bị viễn thông, chất bán dẫn, pin, hóa chất và nhiều ngành công nghiệp khác.
Tập đoàn hiện sở hữu rất nhiều công ty con, hầu hết đang hoạt động dưới tên của thương hiệu mẹ, trong đó có những đơn vị quan trọng hàng đầu như LG Electronics. Khẩu hiệu quen thuộc được sử dụng trên toàn cầu của LG hiện nay là "LG - Life's Good". Hiện LG là một trong những đại tập đoàn gia đình lớn và có tầm ảnh hưởng nhất tại Hàn Quốc.

Tính đến tháng 4/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký của LG tại Việt Nam đạt trên 8,24 tỷ USD, với doanh thu gần 14 tỷ USD.
Tập đoàn hiện có 3 nhà máy lớn tại Hải Phòng là LG Electronics, LG Display và LG Innotek, các công ty khác như LG CNS, LG Chemical, và LG International, và vận hành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội và Đà Nẵng, thu hút hơn 1.000 nhân lực.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024 của Tập đoàn LG, tổng doanh thu của 2 nhà máy thuộc tập đoàn này ở Hải Phòng đạt 8.532 tỷ won, tương đương 6 tỷ USD hay 151.700 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng lợi nhuận đạt 354,3 tỷ won (248 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, LG Innotek Vietnam Hai Phong (LGITVH) đạt doanh thu 4.268 tỷ won, tương đương 2,99 tỷ USD trong 3 quý đầu năm nay, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này ghi nhận lợi nhuận 140 triệu USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.
Đơn vị còn lại, LG Electronics Vietnam Hai Phong (LGEVH) ghi nhận lợi nhuận 109,8 triệu USD trên tổng doanh thu 3 tỷ USD, tăng tương ứng 32% và 11% so với cùng kỳ.
Doanh thu của hai công ty này cao thứ 3 và thứ 4 trong số các công ty thuộc LG Electronics trên toàn thế giới, chỉ đứng sau công ty LG Innotek ở quê hương Hàn Quốc và LG Electronics ở Mỹ.
LG Innotek đã đầu tư 1 tỷ USD vào năm 2023 để tăng cường sản xuất linh kiện điện tử và module máy ảnh cho điện thoại thông minh tại nhà máy ở Hải Phòng. Sau khi hoàn thành, nhà máy này dự kiến sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu.
Theo một báo cáo đánh giá tác động môi trường mới đây, LG Innotek đang chuẩn bị tăng đầu tư thêm 823 triệu USD vào nhà máy ở Hải Phòng để sản xuất mô-đun camera. Với khoản đầu tư bổ sung này, LG Innotek sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 1,87 tỷ USD.
Ngoài ra, LG Display đã đầu tư 5,65 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình OLED tại Hải Phòng. Năm 2024, LG Display tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư tại đây lên gần 5,7 tỷ USD, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao, với quy mô 14 triệu sản phẩm mỗi tháng.
Từ khi hoạt động vào năm 2016 với vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD, LG Display đã tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, đạt kim ngạch xuất khẩu bình quân 5,8 tỷ USD mỗi năm và đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Với khoản đầu tư bổ sung này, tổng vốn đầu tư của LG tại Việt Nam tính đến cuối năm 2024 ước tính vượt 9 tỷ USD, LG cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất và nghiên cứu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại thông minh trong tương lai.

Ông William Cho – CEO của LG.
Tập đoàn LG đang hướng tới mục tiêu trở thành 'Công ty cung cấp giải pháp cuộc sống thông minh' vào năm 2030, tập trung vào việc kết nối và nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong các không gian như nhà ở, phương tiện di chuyển và giải pháp thương mại.
Những chiến lược để đạt được mục tiêu này đã được ông William Cho – CEO của LG chia sẻ, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Mô hình kinh doanh phi phần cứng, mô hình B2B và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới.
Để đạt được mục tiêu này, LG đặt ra chiến lược '777', bao gồm: Tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm đạt 7% trở lên, lợi nhuận hoạt động đạt 7% trở lên và tỷ lệ EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) đạt 7%.
Để thực hiện chiến lược này, LG dự kiến đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng các lĩnh vực quan trọng khác, nhằm củng cố và gia tăng khả năng cạnh tranh trong tương lai. Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư bao gồm kinh doanh B2B, linh kiện xe hơi, hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC), thiết bị gia dụng tích hợp và màn hình kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, LG chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo hỗn hợp (MR) nhằm tạo ra giá trị mới hơn cho khách hàng. Trung tâm công nghệ đầu não của tập đoàn này đang tập trung vào 8 lĩnh vực: Phần mềm, hệ thống trên chip, trí tuệ nhân tạo, robot, vật liệu và linh kiện, công nghệ tiêu chuẩn, thế hệ máy tính mới và dữ liệu đám mây.