Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Từ bước nhảy phục hồi đến kì vọng phục hưng

Sau cú “đại nhảy vọt” năm 2024, kì vọng về sự phục hưng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) với tư cách là một “đế chế” đang trở nên mạnh mẽ nhất và cũng có cơ sở thực thi nhất trong nhiều năm qua.

Một báo cáo xoay chuyển tình thế

Cho đến trước khi báo cáo soát xét bán niên 2024 được công bố, HBC đã trải qua một quãng thời gian đầy khó nhọc. Dù không còn phải tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ “khủng”, nhưng HBC hầu như không thể giành được bất kỳ dự án lớn nào trong nửa đầu năm 2024, do vốn chủ sở hữu chỉ còn 93 tỷ đồng. Điều này gây sức ép rất lớn cho tập đoàn, cả về doanh số lẫn dòng tiền.

Tuy nhiên, kể từ sau báo cáo soát xét bán niên 2024, tình thế đã đổi khác. Nhờ được “công nhận” khoản lợi nhuận rất lớn đã đạt được từ việc thanh lý tài sản, vốn chủ sở hữu của HBC tăng vọt lên 1.662 tỷ đồng (tại thời điểm 30/6/2024), giúp tập đoàn đủ điều kiện dự thầu các dự án nghìn tỷ. Kết quả là từ tháng 8/2024 đến tháng 4/2025, HBC trúng thầu tới 14 dự án với tổng giá trị hơn 8.500 tỷ đồng, tiểu biểu là: Eaton Park, H2 Hoang Huy Commerce, NewTown Diamond…

Điều này góp phần quan trọng giúp HBC kết thúc năm 2024 với lợi nhuận sau thuế 963 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 959 tỷ đồng) – đều là những mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn.

Dù một phần lớn lợi nhuận của HBC được đóng góp bởi hoạt động thanh lý tài sản, chuyển nhượng vốn góp và hoàn nhập dự phòng – những “khoản thu một lần”, không bền vững, song đây vẫn là cú “đại nhảy vọt”, tạo nền tảng quan trọng để tập đoàn này tiếp tục tiến lên trong năm 2025.

Năm 2025, HBC đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. Nói với VietnamFinance, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC, tự tin về việc hoàn thành kế hoạch năm. Theo ông, ngành xây dựng Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh để phát triển tốt trong năm 2025 như: đầu tư công lớn, thị trường bất động sản hồi sinh, ngành du lịch “bùng nổ”…

“Cả 4 mảng của ngành xây dựng: nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có triển vọng tốt trong năm 2025. Không phải ngẫu nhiên một số tổ chức tư vấn quốc tế đánh giá ngành xây dựng trong năm 2025 có thể đạt gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2024”, ông Hải nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy so với năm 2024, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên, điều này không quá đáng lo ngại bởi nguyên nhân không tới từ sự thu hẹp của hoạt động kinh doanh chính (bằng chứng là quy mô doanh thu được định hướng tăng 40%) mà chủ yếu tới từ khả năng hoàn nhập dự phòng ít hơn.

Đây là điều dễ hiểu bởi những khoản công nợ dễ thu hồi đã được HBC thu hết (năm 2024 thu hồi khoảng 600 tỷ đồng). Năm 2025, HBC dự kiến thu hồi được 400 tỷ đồng, song ước tính phải trích lập khoảng 200 tỷ đồng nên giá trị hoàn nhập ròng chỉ khoảng 200 tỷ đồng. 50 – 60 tỷ đồng lợi nhuận sẽ được đóng góp bởi hoạt động thanh lý tài sản và chuyển nhượng vốn. Phần còn lại là lợi nhuận của hoạt động thi công.

Như vậy, dù không bằng năm trước, nhưng nếu thực hiện được kế hoạch đề ra, kết quả năm 2025 vẫn là rất khá đối với HBC, giúp tập đoàn này xây chắc nền phục hồi.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Từ bước nhảy phục hồi đến kì vọng phục hưng - Ảnh 1

Kì vọng phục hưng

Nhìn vào kế hoạch chi tiết năm 2025 của HBC, có thể thấy hơn cả sự phục hồi, tập đoàn này còn đang cho thấy kì vọng lớn về việc phục hưng để quay lại với vị thế “đế chế” từng đạt được. Để làm được điều này, HBC cần giải quyết “gót chân Asin” là khoản lỗ lũy kế lớn, qua đó nâng cao vốn chủ sở hữu.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức mới đây của HBC đã thông qua kế hoạch xử lí “gót chân” này. Theo đó, HBC dự tính phát hành 347 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hút về 3.470 tỷ đồng. Nếu thực hiện được, tập đoàn này sẽ sở hữu năng lực tài chính khá mạnh, với bảng tài sản “sạch sẽ”, nợ ít, vốn chủ dày, đủ sức “tham chiến” các dự án lớn trong mọi mảng của thị trường xây dựng Việt Nam và xa hơn là đẩy mạnh việc phát triển tại thị trường nước ngoài – điều mà HBC đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Theo ông Lê Viết Hải, đi ra nước ngoài là hướng đi tất yếu của HBC nói riêng và doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói chung. Nguyên nhân là thị trường trong nước hiện tại cạnh tranh quá khốc liệt, khiến biên lợi nhuận của ngành xây dựng rất thấp, doanh nghiệp rất khó và rất lâu để tích lũy nội lực. Trong khi đó, tại nhiều thị trường nước ngoài, ngành xây dựng có biên lợi nhuận tốt.

“Năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, như HBC, thậm chí tốt hơn các doanh nghiệp xây dựng nước ngoài. Chúng tôi có dây chuyền hiện đại, máy móc tiên tiến, đội ngũ hùng hậu và tay nghề cao, chi phí thấp, hoàn toàn có thể thay thế các nhà thầu ngoại”, ông Hải nói với VietnamFinance.

Ông Lê Viết Hải cho rằng nếu tăng vốn thành công, HBC hoàn toàn có đủ cơ sở để “mơ” về việc tái lập kì tích “thập niên vàng” từng đạt được trong quá khứ: sau mỗi 5 năm, doanh thu tăng gấp 5 lần.

Kì vọng là rất lớn, kế hoạch là rất đẹp, nhưng với HBC, để hiện thực hóa không phải là chuyện sớm chiều. Ít nhất, kế hoạch tăng vốn cần có thời gian khá dài để chuẩn bị. Ông Lê Viết Hải hi vọng các nhà đầu tư có thể gật đầu trong năm nay. Và nếu mọi chuyện thuận lợi như dự định, những chuyển biến lớn của HBC sẽ có thể bắt đầu từ năm sau.

Vĩnh Chi

Theo VietnamFinance