'Thảm họa' huỷ niêm yết: Dễ đi, khó về
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng việc huỷ niêm yết cổ phiếu là cảnh báo để các doanh nghiệp phải có cuộc cải cách manh mẽ, nếu không có thể dẫn đến việc hạn chế giao dịch, hoặc huỷ tư cách công ty đại chúng.
Tháo chạy trước 'thảm họa'
Nửa đầu năm 2024, bên cạnh các “ông lớn” ồ ạt lên sàn, chuyển sàn thì không ít cổ phiếu đã rơi vào danh sách huỷ niêm yết bắt buộc.
Riêng trong tháng 5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ra quyết định huỷ niêm yết đối với 4 cổ phiếu là POM của Công ty cổ phần Thép Pomina, QBS của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình, SCD của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương và APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú.
Nguyên nhân huỷ niêm yết của các cổ phiếu này là kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, chậm nộp báo cáo tài chính, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính.
Mới đây, HoSE tiếp tục thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với 2 cổ phiếu là HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Trong đó, HNG bị huỷ niêm yết vì kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, còn HBC có tổng lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ.
Sau các quyết định của HoSE, tâm lý lo lắng, hoảng loạn của nhà đầu tư đã gây nên làn sóng bán tháo cổ phiếu HNG và HBC ngay trong phiên 29/7, dư bán sàn hơn chục triệu cổ phiếu chỉ trong phiên sáng.
Giới chuyên gia cho rằng, sự hoảng loạn và tâm lý muốn tháo chạy khỏi các cổ phiếu rơi vào trường hợp huỷ niêm yết của nhà đầu tư là dễ hiểu vì rõ ràng tính rủi ro đã tăng lên.
Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh KBSV, việc huỷ niêm yết không phải án tử của cổ phiếu, nhưng là tiếng chuông cảnh báo các doanh nghiệp phải có cuộc cải cách mạnh mẽ, nếu không có thể dẫn đến việc hạn chế giao dịch, hoặc huỷ tư cách công ty đại chúng.
Theo ông, câu chuyện thực tế đã xảy ra với nhiều cổ phiếu như PVX của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) và PXS của Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (UPCoM: PXS). Khoảng 2-3 năm sau khi bị huỷ niêm yết và rời sàn HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội), 2 cổ phiếu này rơi vào trường hợp bị hạn chế giao dịch và trở thành các cổ phiếu trà đá với thị giá chỉ vài nghìn đồng một cổ phiếu.
Hay như loạt cổ phiếu trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC (FLC, HAI, AMD, KLF, GAB) đã rời sàn HoSE trong năm 2023 và giao dịch ở hệ thống UPCoM do vi phạm nghiêm trọng các quy định về công bố thông tin. Sau khi rời sàn, doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được vi phạm nên cổ phiếu đều rơi vào trường hợp bị cảnh báo và/hoặc hạn chế giao dịch.
Chưa biết ngày nào trở lại, cổ đông thiệt hại lớn
Sau khi bị huỷ niêm yết, HNG và HBC sẽ chuyển sang giao dịch tại hệ thống UPCoM. Đây cũng là hướng đi của phần lớn doanh nghiệp sau khi nhận quyết định huỷ niêm yết tại HoSE hay HNX để đảm bảo giao dịch của các nhà đầu tư vẫn được thực hiện.
Trong khi một bộ phận nhà đầu tư khá e ngại việc cổ phiếu bị chuyển xuống hệ thống UPCoM, bằng chứng là làn sóng bán tháo cổ phiếu HNG và HBC trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, một bộ phận nhà đầu tư cho rằng biên độ giao dịch 15% sẽ đem đến nhiều cơ hội kiếm lời và “về bờ” hơn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Đức Nhân cho rằng biên độ giao dịch 15% và tính thanh khoản thấp trên UPCoM sẽ đem đến nhiều rủi ro hơn là lợi nhuận cho nhà đầu tư. Về tính minh bạch, các công ty đại chúng giao dịch trên UPCoM sẽ ít có trách nhiệm theo quy định phải báo cáo và công bố thông tin hơn trên các sàn HoSE và HNX.
“Rõ ràng khi giao dịch ở UPCoM, tính minh bạch của công ty sẽ ít hơn. Các nhà đầu tư lớn đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức hay định chế tài chính sẽ hạn chế giao dịch cổ phiếu ở UPCoM, kể cả những doanh nghiệp tốt và tiềm năng. Điều này sẽ hạn chế việc tiếp cận với dòng tiền lớn của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Nhân cho biết.
Tuy nhiên, hệ thống UPCoM vẫn có nhiều doanh nghiệp tốt và có thể là cơ hội tốt cho nhà đầu tư như BSR, ACV, MCH, VGT, FOX,… Các cổ phiếu này được đánh giá là những ngôi sao trên hệ thống UPCoM và rất hứa hẹn trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau khi giao dịch tại hệ thống UPCoM 2 năm, nếu thoả mãn các điều kiện theo quy định, doanh nghiệp có thể chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE hoặc HNX. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dù đã giao dịch tại UPCoM nhiều năm, vẫn chưa thực hiện việc chuyển sàn này.
Ông Nguyễn Đức Nhân đã lý giải thực trạng này với nhiều nguyên nhân. “Có thể doanh nghiệp vẫn thiếu một số điều kiện bắt buộc theo quy định, hoặc do bản thân doanh nghiệp chưa muốn chuyển sàn, muốn giữ kín một số thông tin hoặc cảm thấy chưa đến thời điểm lộ diện. Các nguyên nhân khác có thể kể đến như chi phí vận hành và quản lý khi niêm yết lớn, trong khi nguồn lợi từ niêm yết lại chưa rõ ràng, hoặc không được doanh nghiệp đánh giá cao, chưa tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra khi niêm yết”.
Đối với HNG và HBC, ban lãnh đạo của cả 2 doanh nghiệp đều cho rằng sẽ trở lại niêm yết HoSE ngay khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc quay trở lại sàn HoSE và HNX sau khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết dường như là câu chuyện rất hiếm hoi trên thị trường chứng khoán. Đường trở lại còn mờ mịt hơn khi nhìn vào thực trạng của 2 DN này với thua lỗ trầm trọng, triển vọng nhiều rủi ro. Nhìn vào triển vọng khó về bờ mới thấy, cổ đông thiệt hại vô cùng lớn khi không may cổ phiếu bị hủy niêm yết.