Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ

Trong IV/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Thăng Long Invest Group, mã: TIG) báo lỗ ròng hơn 40 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp chưa thể hoàn tất thương vụ thâu tóm dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi và tăng sở hữu tại Vườn Vua Resort & Villas.

 

Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Chi phí bào mòn lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, Thăng Long Invest Group ghi nhận doanh thu thuần 400 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với cùng kỳ. Do giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp tăng 36% lên mức 54,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng thêm 180% lên mức 29 tỷ đồng nhưng đáng nói chi phí tài chính tăng đột biến từ hơn 3 tỷ đồng lên 105 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay.

Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ - Ảnh 2
Chi phí tài chính tăng đột biến là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của TIG giảm nghiêm trọng trong quý cuối năm 2024 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 của TIG).

Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trang trải các chi phí khiến TIG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 32 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty phải chịu khoản lỗ khác hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả, Thăng Long Invest Group báo lỗ sau thuế 42,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 20 tỷ đồng.

Việc thua lỗ trong quý IV đã kéo lùi 38% lợi nhuận sau thuế cả năm của TIG xuống mức hơn 140 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chính vẫn đến từ chi phí lãi vay đột biến gần 117 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần cả năm vẫn tăng 21,6% lên mức 1.499 tỷ đồng và lợi nhuận gộp cải thiện.

Đến cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TIG ở mức âm 364 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của TIG ghi nhận 4.100 tỷ đồng, giảm hơn 41 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn 1.033 tỷ đồng, tăng tới 93% so với đầu năm.

Hàng tồn kho chiếm 399 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 364 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng vọt từ hơn 8 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 348 tỷ đồng cuối năm, toàn bộ là tại dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Vườn Vua có tên thương mại là Vườn Vua Resort & Villas tại xã Đồng Trung huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận 2.284,7 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp 5,6 lần lên 357 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác tăng gấp 24 lần lên 193 tỷ đồng.

Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ - Ảnh 3
Nợ phải trả của TIG tăng mạnh lên gần 2.300 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 của TIG).

Vay nợ ngắn hạn tăng 33% lên 363 tỷ đồng, vay nợ dài hạn giảm 38% về còn 443 tỷ đồng.

“Lỡ hẹn” với nhiều thương vụ

Bên cạnh khoản chi phí tài chính tăng mạnh kéo lợi nhuận của TIG âm hơn 40 tỷ đồng thì tại Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cũng có nhiều điểm đáng chú ý khác đó là việc doanh nghiệp này vẫn đang còn nhiều thương vụ chưa hoàn thành.

Còn nhớ, thời điểm tháng 12/2024, Thăng Long Invest Group đã công bố nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng 28 triệu cổ phần, tương đương 80% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào. Giá chuyển nhượng là 30.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị chuyển nhượng là 840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện tháng 12/2024.

Theo tìm hiểu, Hoa Anh Đào chính là liên doanh do Tập đoàn Alphanam và Công ty TNHH Hoàng Tử lập ra để thực hiện dự án King Palace tại số 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong đó, Alphanam nắm 55% vốn điều lệ, 45% còn lại do Công ty Hoàng tử nắm giữ.

Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ - Ảnh 4
Tòa nhà King Palace tại số 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cập nhật ngày 16/12/2024, ông Nguyễn Trọng Tâm (SN 1982) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Bất động sản Hoa Anh Đào.

Tuy nhiên, tại BCTC hợp nhất quý IV/2024, TIG chưa ghi nhận mối liên hệ nào với Bất động sản Hoa Anh Đào ngoại trừ khoản lợi thế thương mại hơn 517 tỷ đồng từ Hoa Anh Đào trong khi đầu năm không ghi nhận.

Thăng Long Invest (TIG): Chi phí tài chính tăng đột biến đã “kéo sập” lợi nhuận, “lỡ hẹn” với hàng loạt thương vụ - Ảnh 5
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 của TIG.

Điều này cho thấy, thương vụ “thâu tóm” Hoa Anh Đào, hay cụ thể là dự án King Palace tại số 108 Nguyễn Trãi của TIG vẫn chưa thể thực hiện.

Ngoài thương vụ trên, cùng thời điểm tháng 12/2024, TIG cũng thông báo sẽ nhận chuyển nhượng 12,8 triệu cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ chủ đầu tư dự án Vườn Vua Resort & Villas. Tổng giá trị chuyển nhượng là 998,4 tỷ đồng, tương đương 78.000 đồng/cổ phần. Nếu hoàn tất nhận chuyển nhượng, TIG sẽ nâng sở hữu lên 80% vốn Thăng Long Phú Thọ.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Trọng Tâm đồng thời cũng là Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.

Tuy nhiên, trong danh sách công ty con của TIG tại thời điểm cuối năm 2024 vẫn ghi nhận tỷ lệ sở hữu tại Thăng Long Phú Thọ là 60%. Do đó, nhiều khả năng thương vụ nói trên cũng chưa hoàn tất.

Ở chiều hướng ngược lại, tính đến cuối năm 2024, TIG đã thoái vốn tại toàn bộ 10 công ty liên kết. Trước đó, cũng trong tháng 12/2024, TIG công bố nghị quyết về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 5 công ty liên kết gồm: CTCP Đầu tư Thời báo Chứng khoán Việt Nam (260.000 cổ phần, tương đương 26%); Công ty TNHH Điện tử và hàng gia dụng Huyndai Việt Nam (2,7 triệu cổ phần, tương đương 45%); CTCP Đầu tư Tòa nhà xanh công nghệ xanh TIG-HDE (10,54 triệu cổ phần, tương đương gần 44%); Công ty Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 1 (5,42 triệu cổ phần, tương đương 13,22%) và Hướng Sơn 2 (4,59 triệu cổ phần, tương đương 11,2%).

Biến động nhân sự

Ở diễn biến mới đây, liên quan đến tình hình nhân sự, Thăng Long Invest đã công bố đơn từ nhiệm của hai lãnh đạo vốn là cán bộ của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Cụ thể, ông Nguyễn Trung Hiếu (SN 1982) có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kể từ ngày 4/2 và ông Ngô Tiến Đạt (SN 1994) từ nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát từ ngày 4/2.

Cả ông Hiếu và ông Đạt đều là cán bộ của cổ đông SCIC được bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát Tổng Công ty Thăng Long tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Cả hai có đơn từ nhiệm sau khi SCIC thoái vốn thành công.

Cuối tháng 12/2024, SCIC thông báo thoái vốn thành công 10,5 triệu cổ phiếu TTL, tương ứng tỷ lệ 25,09%. Kết quả một nhà đầu tư đã trúng đấu giá lô cổ phiếu nói trên với giá 222,6 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phiếu.

Người trúng đấu giá là ông Phạm Tuấn Vũ. Sau đó, ông này có báo cáo đã mua thành công 10,5 triệu cổ phiếu TTL trong ngày 08/01, nâng tỷ lệ sở hữu lên 25,09% vốn và trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty Thăng Long.

Được biết, ông Phạm Tuấn Vũ từng là Kế toán trưởng của Tổng Công ty Thăng Long, được bổ nhiệm vào ngày 24/12/2021 và miễn nhiệm vào ngày 15/09/2022. Ông Vũ sinh năm 1982, ông Vũ hiện thường trú tại Hà Nội và có trình độ chuyên môn là Cử nhân kinh tế.

Ngoài ông Phạm Tuấn Vũ, cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại TTL là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG với 21,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50,5%) và cổ đông lớn Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm 3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,16%).

An Nhiên

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam