Thành phố trẻ nhất miền Tây diện tích nhỏ hơn cả một phường, từng được gọi là 'làng Thành phố'
Thành phố này còn nhỏ hơn phường rộng nhất Việt Nam - phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh)
Thành lập thành phố Gò Công
Ngày 19/03, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa. Đồng thời sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Thành phố Gò Công có 101,69km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người. Với quy mô này, Gò Công nhỏ hơn phường rộng nhất Việt Nam phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) với 119,83km2 và chỉ nhỉnh hơn phường rộng thứ nhì cả nước là phường Cam Nghĩa (Cam Ranh, Khánh Hòa) với 105,10 km2.
Thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã (giảm 2 đơn vị hành chín cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.
Thành phố Gò Công có 101,69km2 diện tích tự nhiên
Kết quả sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã).
Như vậy, hiện nay Tiền Giang có 2 thành phố (Mỹ Tho, Gò Công), 1 thị xã Cai Lậy và 8 huyện: Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Tân Phú Đông và 170 đơn vị cấp xã, gồm 8 thị trấn, 24 phường và 138 xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,4%. Thành phố Gò Công cách TP HCM 60km, nằm ở trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Vậy hiện tại, tỉnh Tiền Giang sẽ có 2 thành phố là Mỹ Tho và Gò Công
Thành phố Gò Công hiện nay một thời được gọi là "làng Thành Phố". Trong cuốn Gò Công vọng tiếng đất lành đã đề cập: Làng Thành Phố được Pháp thành lập từ năm 1882 (cũng có tư liệu viết năm 1885 - NV) trên cơ sở sáp nhập làng Thuận Ngãi với làng Thuận Tắc, hai làng vốn cách nhau do con rạch Cửa Khâu, năm 1882 đã nạo vét sửa đổi thành kinh Salicetti. Năm 1882, làng Thành phố rộng lớn có ban hương chức Hội tề đầy đủ và có mộc riêng.
Làng Thành phố từ năm 1882, mãi đến tháng 7-1945, dù Gò Công có thay đổi hành chính từ "hạt" từ năm 1868-1899, sang "quận" từ năm 1899-1924, rồi "tỉnh" từ năm 1924-1945, làng Thành Phố vẫn là thủ phủ 63 năm. Năm 1987, chính thức có quyết định công nhận Gò Công là thị xã Gò Công.
Điểm đến cổ kính và xinh đẹp
Cách TP. HCM khoảng 60km, thành phố Gò Công thu hút khách du lịch với nhiều điểm đến đẹp và hoang sơ cùng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo. Khi đến đây bạn sẽ được trải nghiệm một đô thị cổ vô cùng thanh bình và quyến rũ.
Một số điểm du lịch ở thành phố Gò Công:
1. Biển Tân Thành
Biển Tân Thành sẽ là điểm check in đầu tiên mà bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Gò Công. Khác biệt với những bãi biển Mũi Né, Nha Trang hay Vũng Tàu, biển Gò Công độc đáo với triền cát đen trải dài đến 7km.
Biển Tân Thành
Còn gì bằng khi những ngày hè oi bức, được leo lên xe phượt một chuyến về miền biển vắng Tân Thành. Bình yên nghe từng đợt sóng vỗ rì rào, dạo bước đón hoàng hôn hoặc ngắm bình minh trên biển và thưởng thức những hải sản tươi ngon từ biển cả. Tất cả đều hấp dẫn đến khó quên.
2. Lăng Hoàng Gia
Lăng Hoàng Gia
Được xây dựng từ năm 1826, Lăng Hoàng Gia là nơi đặt đền thờ và mộ của Phạm Đăng Hưng, thân phụ của bà Từ Dũ Thái Hậu và là ngoại của vua Tự Đức. Khuôn viên của lăng rộng gần 3000m2 được gìn giữ cẩn thận và truyền qua nhiều đời của dòng họ Phạm. Đây cũng chính là tộc họ sinh sống có tiếng và lâu đời nhất vùng Gò Công Tiền Giang.
3. Đền thờ Trương Định
Ở các tỉnh miền Tây nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung, không ai không biết đến người anh hùng Trương Định dũng cảm, yêu nước. Mảnh đất Gò Công chính là nơi gắn bó với vị anh hùng này. Trong cuộc chiến chống Pháp 1859-1864, ông chiến đấu hết mình và hy sinh anh dũng đổi lại sự bình yên và phát triển cho vùng đất Gò Công như ngày nay.
Đền thờ Trương Định
Ngày 6/12/1989 đền thờ Trương Định đã chính thức được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa của quốc gia. Hiện trong đền thờ vẫn còn lưu giữ quyển sách gỗ viết về “Tiểu sử Trương Định” được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp.
4. Đình Trung
Đình Trung Gò Công ban đầu còn gọi là đình Thành Phố Thôn, nay do đình tập trung thờ 3 sắc thần của vua Tự Đức nên có tên gọi là Đình Trung. Năm 1930 đình được tu bổ và xây dựng lại. Đến nay đã mang hình thù to đẹp cổ kính và đồ sộ hơn. Nét hoài cổ cùng những họa tiết trang trí lịch sử lâu đời đã làm nên sức hấp dẫn cho ngôi đình này.
Đình Trung
Nhìn tổng thể, Đình Trung được xây dựng theo lối kiến trúc đền thờ phức hợp, bao gồm 3 tòa nhà theo hướng Bắc Nam. Không gian nội thất bên trong hoàn toàn làm bằng gỗ quý. Phần mái bên ngoài tạo điểm nhấn với 2 hình tượng “long hổ hội” và “Hà đồ lạc thư” trong tư thế vươn cao được chạm khắc tinh tế, công phu.