Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm tại 4 dự án của Tập đoàn Bitexco và các công ty liên quan
Các dự án của Tập đoàn Bitexco và các công ty liên quan xuất hiện trong Kết luận của TTCP bao gồm: Khách sạn JW Marriott, dự án Nama Resort, Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, Khu nghỉ mát Lăng cô.
Khách sạn JW Marriott của Bitexco được ưu đãi đầu tư không đúng quy định
Theo Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm tại nhiều dự án khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf. Trong đó, có 4 dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực du lịch có chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và các công ty liên quan.
Tại Hà Nội, TTCP đã chỉ ra một số vấn đề tại dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội. Cụ thể, đối với dự án JW Marriott Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, dự án này chưa được HĐND TP Hà Nội thông qua.
Bên cạnh đó, việc UBND TP. Hà Nội ngày 8/5/2008 ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thuê để xây dựng khách sạn, trong đó diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn (giảm 5.497m2), diện tích mặt nước (tăng 5.224m2) là chưa đúng diện tích theo quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã được phê duyệt.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng khách sạn JW Marriott Hà Nội để phù hợp với diện tích đất, diện tích mặt nước thực tế.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố yêu cầu Tập đoàn Bitexco nộp bổ sung tiền thuê đất 26,2 tỷ đồng, xác định và thu tiền chậm nộp (nếu có) để đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội phải tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo quy định pháp luật có liên quan đến 2 vi phạm.
Thứ nhất, xác định chưa chính xác số lượng lao động thường xuyên năm 2013-2014 của Khách sạn JW Marriott Hà Nội để Tập đoàn Bitexco hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, trách nhiệm tham mưu, ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh thuê để xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó khu khách sạn kết hợp sân vườn có diện tích 57.103 m2 và diện tích mặt nước 21.624 m2 chưa đúng diện tích theo Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội nằm tại số 8 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này được triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào 2013, với tổng mức đầu tư là 250 triệu USD.
Tại Huế, Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm tại dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort). Chủ đầu tư dự án này là công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành (được thành lập ngày 31/12/2014 với 2 cổ đông là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty cổ phần du lịch Hương Giang).
Cổ đông lớn Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang bao gồm Công ty TNHH Crystal Treasure, Công ty TNHH Tấn Trường, Công ty TNHH Thạch Anh Trắng, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và một số cổ đông khác.
Tại dự án này, việc thực hiện góp vốn điều lệ các cổ đông không đúng thời hạn theo yêu cầu của UBND tỉnh và quy định lại điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014.
Việc giải phóng mặt bằng và tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013 thì dự án nêu trên không thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư phải thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, góp vốn và thuê quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã đồng ý nguyên tắc cho tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án. Ngoài ra, dự án Nama Resort nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hiện tại, dự án vẫn chưa được khởi công thực hiện, dự án đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu.
Liên quan đến sai phạm tại dự án này, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh tiến độ, đồng thời có phương án xử lý phù hợp với Luật Di sản văn hoá và quy định pháp luật liên quan.
TTCP yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng 19/29 căn biệt thự còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận nha đầu tư phù hợp với thực tế quy hoạch tổng mặt bằng của dự án giai đoạn II và GPXD đã được cấp; điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án; thực hiện nộp tiền thuê đất đúng thời gian quy định.
Một dự án khác tại Huế do Bitexco là chủ đầu tư vi phạm là dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An. Theo đó, từ ngày 3/8/2016 dự án được quyết định chủ trương đầu tư cho đến ngày 21/8/2018, chủ đầu tư đang triển khai lập quy hoạch trình phê duyệt, điều chỉnh quy mô đầu tư, chưa thực hiện ký bản cam kết tiến độ thực hiện dự án, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa triển khai xây dựng nên chưa thực hiện góp vốn...
Bitexco chưa thực hiện giãn tiến độ đầu tư theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 sau 24 tháng nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư. Ngày 13/9/2018, Bitexco đã nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động dự án.
Bitexco được biết đến là một “đại gia” bất động sản, là chủ đầu tư của nhiều dự án “đình đám” trên thị trường. Tuy nhiên, đại gia này cũng vướng không ít “lùm xùm” từ chính những dự án này.
Gây chú ý nhất trong đó là dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và quỹ đất đối ứng 90 ha để doanh nghiệp triển khai khu đô thị The Manor Central Park. Trước đó, vào năm 2014 UBND TP Hà Nội và Bitexco đã ký hợp đồng BT số 02/2014/HĐBT. Theo đó, hợp đồng quy định quỹ đất đối ứng giao cho Công ty Bitexco đầu tư xây dựng kinh doanh là 20,8 ha tại khu đô thị Nam đường vành đai 3 quy mô 65,8 ha.
Việc giao đất cho Bitexco sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 giao 14,2ha, giai đoạn 2 giao 6,6 ha. Quỹ đất này theo quy hoạch sẽ được Bitexco xây dựng nhà thấp tầng và chung cư thương mại để bán.
Tuy nhiên, Bitexco cho biết, đến nay Hà Nội chưa thực hiện việc giao 6,6ha quỹ đất đối ứng giai đoạn 2 cho Bitexco, vì cho rằng quỹ đất 14,2 ha giao cho nhà đầu tư xây dựng nhà thấp tầng để bán đã vượt giá trị công trình BT (giá trị dự án BT là hơn 1.550 tỷ đồng).
Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng mới đây, Bitexco cho rằng việc TP Hà Nội chưa hoàn thành việc giao đất giai đoạn 2 cho nhà đầu tư là chưa hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm như hợp đồng BT đã ký kết,... Do đó, Bitexco đề nghị Thủ tướng xem xét, tổ chức cuộc họp gồm các bên liên quan, nhằm tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư sớm hoàn thiện dự án.
Liên quan đến dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, vào năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra, trong đó xác định dự án này bị chậm tiến độ so với yêu cầu do năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém, không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết.
Được biết, dự án BT của Bitexco ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2017 nhưng sau đó liên tục được điều chỉnh tiến độ. Cụ thể, dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng).
Sau đó dự án được TP Hà Nội phê duyệt bổ sung thêm một số hạng mục và kéo dài thời gian thực hiện lên thành 54 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2018. Tuy nhiên sau đó Hà Nội lại tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện lên 67 tháng (thêm 13 tháng, kể từ tháng 5/2014). Như vậy, dự án BT của Công ty Bitexco đã 2 lần điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành dự án (từ 36 tháng lên 54 tháng rồi lên 67 tháng).
Trong khi dự án BT liên tục được gia hạn tiến độ thì phần đất đối ứng làm khu đô thị The Manor Central Park được Bitexco xây dựng hàng chục dãy biệt thự, liền kề, shophouse... và bán ra thị trường với giá hàng chục tỷ đồng/căn.
Mới đây nhất, vào tháng 1 vừa qua, công ty thuộc Bitexco là Công ty cổ phần Bitexco Land cũng bị UBND TPHCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng tại dự án "Trung tâm văn phòng thương mại dịch vụ tài chính Bitexo Financial Tower" tại quận 1, TPHCM.
Lý do bị xử phạt là doanh nghiệp "Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định". Cụ thể công ty đã xây dựng 1 hệ thống xử lý nước thải, công suất 250m3/ngày, đêm nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.