Tin bất động sản hôm nay ngày 4/11: Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm tại nhiều dự án sân golf

Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm tại nhiều dự án sân golf; Khẩn trương phê duyệt giá đất siêu dự án của Sài Gòn - Đại Ninh; Yên Bái đề xuất quy hoạch sân bay phục vụ dân dụng; Hậu Giang quy hoạch phân khu đô thị 1150ha thành phố Vị Thanh; Thanh Hóa đưa 270 dự án ra khỏi danh mục đấu giá đất năm 2022 là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 4/11.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm tại nhiều dự án sân golf

Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch, chỉ ra nhiều vi phạm tại các dự án sân golf

Các dự án gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô có nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô (được thành lập bởi Tổng công ty Phong Phú, Công ty TNHH Sơn Tùng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phong Phú, Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam; Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc, Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế).

Nhà đầu tư đã thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án số tiền 19 tỷ đồng. Do có sự thay đổi nhà đầu tư góp vốn, tỷ lệ góp, tính đến ngày 31/7/2018 các doanh nghiệp đầu tư đã tiến hành góp được 57,9 tỷ đồng (khoảng 18% vốn điều lệ).

Sau thời gian được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 vào tháng 11/2010 với tổng diện tích sử dụng đất 292ha, do vướng mắc trong việc sân golf chưa được bổ sung vào quy hoạch nên công tác giải phóng mặt bằng chưa được triển khai.

Khu quần thể sân golf và các dịch vụ đi kèm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư. Thanh tra phát hiện công tác kiểm đếm, phê duyệt thanh toán đền bù giải phóng mặt bằng triển khai chậm và kéo dài gần 4 năm.

Do nhiều lần phải tiến hành làm lại các thủ tục thay đổi điều chỉnh thiết kế, nhất là phê duyệt lại quy hoạch 1/500 nên tiến độ thực hiện không đảm bảo đúng cam kết phải xin điều chỉnh gia hạn tiến độ.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp Mai House Hội An (Quảng Nam) tiến độ thực hiện đang chậm theo cam kết.

Thời điểm tháng 7/2018 dự án mới đang triển khai thực hiện cọc thử và cọc đại trà, thi công hầm kết nối với dự án sân golf Indochina Hội An, san lấp mặt bằng, triển khai trồng dừa, chưa có hạng mục xây dựng được hoàn thành.

Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Indochina Thế kỷ 21 Resort (được thành lập bởi Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình và Công ty Indochina Invision Capital Ltd) chưa thực hiện báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 118/2015 của Chính phủ.

Dự án khu tổ hợp resort Sông Giá ở TP.Hải Phòng do Công ty TNHH Hyundai E&C Vina Sông Giá làm nhà đầu tư.

Theo kết luận, UBND TP.Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết sân golf và khu nghỉ dưỡng tổng hợp trong khi sân golf trong dự án chưa có trong quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt; không thực hiện việc nghiên cứu điều chỉnh cục bộ kịp thời cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế theo quy định.

Khẩn trương phê duyệt giá đất siêu dự án của Sài Gòn - Đại Ninh

Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã có chỉ đạo liên quan đến việc rà soát nguồn thu sử dụng đất giai đoạn 2023 - 2025 để bố trí vốn đầu tư 2 tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, trong các dự án thu tiền sử dụng đất được đề cập có dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghĩ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng do Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư.

Dự án tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.  
Dự án tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.  

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở ngành, UBND huyện Đức Trọng cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất dự án Khu đô thị Đại Ninh trong năm 2022.

UBND tỉnh dự kiến phê duyệt giá đất cụ thể trước ngày 31/12/2022 và thu nộp ngân sách Nhà nước trong quý 1/2023.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đã có công văn đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu đô thị Đại Ninh.

Sở này cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương cho Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng (kể từ ngày 28/1) đối với dự án Khu đô thị Đại Ninh. Đồng thời, đề nghị công ty tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án đi vào hoạt động theo cam kết quy định.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nêu trên mà không phải chờ khi có giá đất chuyển mục đích sử dụng đất và nộp xong tiền sử dụng đất mới triển khai đầu tư các hạng mục của dự án.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xác định giá giao quyền sử dụng đất sẽ thực hiện đồng thời với thủ tục triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Yên Bái đề xuất quy hoạch sân bay phục vụ dân dụng

UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung cảng hàng không Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sân bay Yên Bái hiện là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý thuộc địa phận các xã: Nga Quán, Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; phường Nam Cường và xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái. Có tổng diện tích 279,47 ha và chiều dài đường cất, hạ cánh là 2.400m thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng (kết hợp khai thác dân dụng và quốc phòng).

Địa phương đề xuất quy hoạch Cảng hàng không Yên Bái cấp 4c và sân bay quân sự cấp 2; vị trí chức năng trong mạng Cảng hàng không dân dụng toàn quốc là Cảng hàng không nội địa. Công suất thiết kế dự kiến phục vụ 0,8 - 1 triệu hành khách/năm. Dự kiến đầu tư dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư); quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trước đó, UBND tỉnh Yên Bái đã làm việc với Cục hàng không Việt Nam về đề xuất, bổ sung cảng hàng không sân bay Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tương lai khi Cảng hàng không Sa Pa hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.

Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lên cửa khẩu Lào Cai.

Tuy nhiên, để khai thác triệt để lợi thế sẵn có thì vai trò của hạ tầng giao thông, trong đó phát triển hạ tầng hàng không là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Hậu Giang quy hoạch phân khu đô thị 1150ha thành phố Vị Thanh

UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu Đông Bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

Theo đó, phân khu Khu Đông Bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận có tổng diện tích khoảng 1.150ha thuộc địa giới hành chính của phường III, phường V, thành phố Vị Thanh và một phần xã Vị Đông, Vị Trung, Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

Tin bất động sản hôm nay ngày 4/11: Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm tại nhiều dự án sân golf - Ảnh 1

Theo đồ án quy hoạch chung thành phố Vị Thanh và vùng phụ cận, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040, phân khu Khu Đông Bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận thuộc các phân khu số 1, 2, 3, 5 và 6.

Phân khu Khu Đông Bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận có tính chất là một khu đô thị thuộc phạm vi phát triển đô thị của thành phố Vị Thanh, được định hướng có các chức năng chính là khu đô thị hành chính phức hợp, thương mại dịch vụ tổng hợp, thương mại dịch vụ mới và đô thị sinh thái.

Phân khu Khu Đông Bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận còn là khu đô thị định hướng phát triển không gian gắn với các trục giao thông đường bộ và đường thủy chủ yếu như Quốc lộ 61, Quốc lộ 61C, Tỉnh lộ 931B, kênh Xáng Xà No, kênh Mương Lộ.

Dự báo dân số trong khu vực lập quy hoạch từ 66.000÷88.000 người, đất dân dụng bình quân khoảng 60÷77m2/người.

Thanh Hóa đưa 270 dự án ra khỏi danh mục đấu giá đất năm 2022

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định 4163/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đưa ra khỏi danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 đối với 270 dự án, với tổng diện tích đất theo quy hoạch 571,65 ha và tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 225,07 ha.

Song song với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phê duyệt bổ sung danh mục đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 đối với 158 dự án có tổng diện tích đất theo quy hoạch 171,19 ha và tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 42,68 ha.

Tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu về từ thực hiện đấu giá là 1.470,3 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật là 1.092,5 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa khẩn trương rà soát, khi đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, hoàn thành GPMB, hạ tầng kỹ thuật mới được tiến hành đấu giá; khi đấu giá phải lựa chọn tổ chức đấu giá có kinh nghiệm, năng lực và ưu tiên hình thức đấu giá trực tuyến. Việc tổ chức đấu giá các dự án nằm trong kế hoạch đến ngày 31/12/2022 phải hoàn thành.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở TN-MT, Sở Tài chính, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa, và UBND cấp huyện xác định giá khởi điểm phải sát với giá thị trường để mang lại nguồn thu cao cho Ngân sách Nhà nước.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống