Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi siêu dự án, ông Nguyễn Cao Trí nói gì?
Mặc dù dự án KĐT Đại Ninh có nhiều sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi nhưng phía SaiGon Dai Ninh Group vẫn muốn tiếp tục được triển khai dự án.
Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất thu hồi đất dự án KĐT Đại Ninh
Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (SaiGon Dai Ninh Group) làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án này có diện tích lên tới 3.595 ha, trong đó có 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp. Tổng vốn đầu tư dư án hơn 25.000 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án KĐT Đại Ninh. |
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án KĐT Đại Ninh, đồng thời Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án, ngày 28/6, ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Tôi đã có văn bản báo cáo Tỉnh đề xuất thu hồi đất sau khi thu hồi dự án. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư đang xin cấp trên cho tiếp tục đầu tư".
Vì vậy, trước thông tin người dân tại khu vực dự án KĐT Đại Ninh xây dựng mong muốn cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định pháp luật, thu hồi dự án hoặc tìm nhà đầu tư mới tránh lãng phí tài nguyên, ông Hải cho rằng, dự án này có tiếp tục để SaiGon Dai Ninh Group triển khai hay không thì phải chờ ý kiến chỉ đạo của trung ương.
Liên quan đến dự án KĐT Đại Ninh, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho hay: "Sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi dự án hồi tháng 6/2020 thì có một đoàn thanh tra khác vào phúc tra lại. Kết quả phúc tra như thế nào thì hiện nay chưa có kết luận cụ thể".
Nói về quan điểm của địa phương đối với việc xử lý những dự án chậm tiến độ, có nhiều sai phạm trên địa bàn như KĐT Đại Ninh, ông Hoàng chia sẻ: "Chúng tôi là cấp địa phương nên chấp hành kết luận của Thanh tra Chính Phủ".
Mặc dù dự án KĐT Đại Ninh nằm trên địa bàn 4 xã ở huyện Đức Trọng nhưng phần lớn diện tích của dự án nằm tại xã Ninh Gia. Bà Trần Thị Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Gia cho hay: "Về kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án KĐT Đại Ninh, địa phương đã tiến hành công tác kiểm điểm đồi với Chủ tịch UBND xã.
Còn quan điểm của UBND xã về việc tiếp tục triển khai dự án KĐT Đại Ninh hay không, bà Thoa cho biết, vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên. "Theo tôi được biết hiện đã có kết luận phúc tra dự án này rồi. Nhưng phía xã cũng không được mời tham dự họp thông báo kết luận" - bà Thoa nói.
Nhiều công trình sai phép đang tồn tại trong dự án KĐT Đại Ninh. |
Chủ đầu tư nói gì?
Khi nói về dự án KĐT Đại Ninh được nêu ra trong bản kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ngày 28/6, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc SaiGon Dai Ninh Group cho hay: "Vấn đề này cứ hỏi UBND tỉnh Lâm Đồng".
Trong khi đó, hồi tháng 2/2021, trả lời báo chí, bà Phan Thị Hoa - người từng biết đến nắm giữ tới 88,5% cổ phần SaiGon Dai Ninh Group nói: "Chủ trương chung của tỉnh Lâm Đồng là ủng hộ tiếp tục triển khai dự án trong thời gian Covid-19. Dự án cũng đang được triển khai tốt”.
Trên trang thông tin điện tử chính thức của SaiGon Dai Ninh Group đến ngày 28/6 hiện vẫn để những thông tin quảng cáo với nhiều ngôn từ mỹ miều cho dự án KĐT Đại Ninh.
Theo đó, SaiGon Dai Ninh Group thông tin: Để đón đầu thị trường bất động sản và tránh tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vục cũng như trên thế giới nhất là tại Việt Nam có rất nhiều khu vực thường xuyên ngập lụt... công ty quyết định đầu tư khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dương sinh thái Đại Ninh nhằm phục vụ đáp ứng nhu cầu nhà ở nghỉ dưỡng, thương mại, chứng khoán...
KĐT Đại Ninh có quy hoạch chi tiết gồm: 129 hạng mục du lịch nghỉ dưỡng, 37 cao ốc từ 8-10-12 tầng (dự kiến 11.445 căn hộ) , 06 cụm khách sạn nhỉ dưỡng dưới 5 tầng và 3.840 biệt thự nghỉ dưỡng. SaiGon Dai Ninh Group dự kiến sẽ có 20.000 người đến đây nghỉ dưỡng và sinh sống làm việc tại dự án này.
Tuy nhiên, kết luận Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, dự án KĐT Đại Ninh đang chậm tiến độ suốt nhiều năm. Trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm khi làm loạt biệt thự, hội trường sai so với giấy phép được cấp. Không những thế, chủ đầu tư còn có biểu hiện vi phạm trong vấn đề môi trường, bảo vệ rừng. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án này.
Dự án treo ở nhiều tỉnh thành
Về vấn đề tình hình dự án treo nhiều năm tại nhiều tỉnh thành, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: "Khi chủ đầu tư cùng lúc chậm dự án nhiều năm, và để xảy ra tình trạng phá rừng thì cơ quan quản lý đứng ở đâu? Doanh nghiệp để xảy ra tình trạng phá rừng sao chưa bị xử lý? Cần làm rõ trách nhiệm của địa phương cũng như doanh nghiệp nhận dự án, bởi việc phá rừng gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến môi trường và con người. Điều này không cần nói đến nữa vì không ai hiểu rõ tác hại sự tàn phá này bằng chính người dân, lãnh đạo và doanh nghiệp tại địa phương đó.
Dù có được gia hạn hay chấm dứt làm dự án, doanh nghiệp cần phải khắc phục hậu quả đã gây ra, đặc biệt với tài nguyên rừng. Riêng đối với dự án để xảy ra tình trạng phá rừng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là phải thu hồi thì buộc phải thực thi theo đề xuất của cơ quan này. Hiện nay, có một số doanh nghiệp dùng chiêu trò lách luật bằng hình thức bán lại dự án, bán vốn cổ phần hoặc thay người đại diện theo pháp luật,… để tránh trách nhiệm. Do đó, địa phương quản lý, cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt tránh tình trạng chủ đầu tư qua mặt bằng chiêu “thoát xác” hay “bình mới rượu cũ”,…"