“Thế, lực và đà” đòn bẩy để Quảng Bình tăng tốc
Vượt qua các khó khăn, thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, tỉnh Quảng Bình đã phục hồi và phát triển KT-XH năm 2022 một cách ấn tượng, tạo đà tăng trưởng cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Đại dịch Covid-19 sau 2 năm bùng phát đã dần được kiểm soát, sự phục hồi và phát triển KT-XH năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho sự tăng trưởng của năm 2023 và các năm tiếp tới. Trong tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, trong đó ưu tiên chú trọng các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Cùng với sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân trong toàn tỉnh nên tình hình KT-XH năm 2022 của tỉnh đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực: có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát chặt chẽ; tăng trưởng kinh tế tăng trưởng khá và vượt kế hoạch, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch phục hồi nhanh; thu ngân sách tăng cao; thu hút đầu tư đạt khá; các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, an sinh xã hội được quan tâm...
Ngoài ra, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,75% (KH 6,0-6,5%, TH cùng kỳ 4,83%); Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 8.000 tỷ đồng (KH 6.000 tỷ đồng); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 26.900 tỷ đồng (KH 26.000 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 54,1 triệu đồng (KH 52-53 triệu đồng); Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 69,5% (KH 73%). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu xã hội đã đạt được như giải quyết việc làm cho 21.000 lao động (KH 18.000 lao động); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% so với năm 2021 (KH giảm 1,5- 1,8%); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 46% (KH 56%); tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 98,7% (KH trên 91% theo chuẩn mới)…
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, với 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao (7,96%), là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh và phát triển trong điều kiện mới; thu ngân sách vượt khá cao so với KH; thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai quyết liệt; văn hóa – xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng; dịch bệnh được kiểm soát tốt; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng quan tâm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. “Năm 2023, Quảng Bình tiếp tục đặt mục tiêu cao về phát triển kinh tế xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra. Để tổ chức triển khai đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm 2023 cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm và nỗ lực rất lớn, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại báo cáo số 356/BC-UBND ngày 29/11/2022 của UBND tỉnh” - ông Thắng cho biết thêm. Những chỉ dấu tích cực, những “thế, lực và đà” đã tạo được trong thời gian qua sẽ là động lực để Quảng Bình thích ứng và vượt qua khó khăn, mở ra những mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc.