Thị trường chứng khoán 4 tháng cuối năm: Sóng nhỏ, kỳ vọng nhỏ
Thị trường chứng khoán (TTCK) không có “sóng lớn” từ đầu năm đến nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy từ nay đến cuối năm, bởi các yếu tố quan trọng tác động đến thị trường vẫn ở trong tình trạng tốt - xấu đan xen.
Nhận diện những “con sóng”
Từ đầu năm tới nay, có thể chia diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam ra làm 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là từ phiên 1/1 đến phiên 28/3 (kéo dài khoảng 13 tuần), chỉ số VN-Index tăng từ 1.129 điểm lên 1.290 điểm, tương đương tăng 161 điểm. Bước sang giai đoạn thứ hai, từ phiên 29/3 đến phiên 23/4 (kéo dài khoảng 3 tuần), VN-Index giảm từ 1.290 điểm xuống 1.177 điểm, tương đương giảm 113 điểm.
Tới giai đoạn thứ ba, chỉ số VN-Index lại tăng từ 1.177 điểm mở phiên 24/4 lên 1.301 điểm kết phiên 13/6, tương đương tăng 124 điểm trong khoảng 8 tuần. Sau đó, VN-Index lại giảm từ 1.301 điểm mở phiên 14/6 xuống 1.188 điểm kết phiên 5/8, tương đương giảm 113 điểm trong thời gian khoảng 7 tuần.
Như vậy, chỉ số VN-Index đã trải qua 2 đợt tăng - giảm, mỗi đợt kéo dài khoảng 15-16 tuần. Cũng giống như đợt tăng - giảm đầu tiên, ở đợt tăng - giảm thứ hai, chỉ số VN-Index cũng tạo đáy dứt khoát và sau đó hồi phục rất nhanh, khiến đa số nhà đầu tư chỉ hơi chần chừ đã lỡ ngay cơ hội mua cổ phiếu với giá tốt.
Một đặc điểm chung nữa trong các đợt tăng - giảm vừa qua là “sóng” cổ phiếu khá phân hóa, nếu không chọn đúng ngành, đúng cổ phiếu thì mức sinh lời rất dễ thấp hơn thị trường chung. Thậm chí trải qua nhiều đợt tăng - giảm, những nhà đầu tư tâm lý yếu có thể bị thua lỗ dù nhìn vào thống kê, VN-Index tăng khá tốt so với thời điểm đầu năm.
Hiện thị trường đang trong giai đoạn thứ năm khi chỉ số VN-Index đã tạo đáy vào phiên 5/8 tại 1.188 điểm và hồi phục nhanh chóng lên 1.280 điểm kết phiên 26/8.
Vì sao khó có “sóng lớn”?
Thị trường chứng khoán không có “sóng lớn” từ đầu năm đến nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy từ nay đến cuối năm, bởi các yếu tố quan trọng tác động đến thị trường vẫn ở trong tình trạng tốt - xấu đan xen. Cán cân thị trường đang nghiêng về tình trạng tốt có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng xấu chỉ vì một/một vài yếu tố thay đổi. Điều này khiến thị trường xuất hiện khá nhiều sóng tăng - giảm nhưng cường độ tăng - giảm không thực sự lớn.
Điểm qua về các yếu tố thuận lợi và không thuận lợi với thị trường ở thời điểm hiện tại. Về các yếu tố không thuận lợi, đầu tiên phải kể đến tình hình địa - chính trị trên thế giới không mấy sáng sủa khi xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột Iran - Israel nổ ra và bầu cử Tổng thống Mỹ chưa đi đến hồi kết. Thứ hai, kinh tế thế giới đang bắt đầu phát đi các tín hiệu kém khả quan, nhất là ở Mỹ.
Thứ ba, ở trong nước, tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế vẫn ở mức chậm chạp khi áp lực đáo hạn ở kênh trái phiếu thường xuyên duy trì ở mức khá cao, hệ quả là các doanh nghiệp thường xuyên “khất nợ”. Bên cạnh đó, dòng tiền trên thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu trở lại rõ rệt. Đặc biệt, tín dụng vẫn tăng khá “phập phù”, điển hình là tín dụng sau khi bật tăng 6% trong 6 tháng đầu năm đã hạ nhiệt về mức 5,3% tính đến ngày 17/7.
Trong bối cảnh dòng tiền ở các kênh tài sản chưa có sự cải thiện đáng kể, trạng thái tiền của giới chủ doanh nghiệp theo đó cũng không mấy dồi dào, trong khi còn đang phải trông vào bối cảnh vĩ mô vốn vẫn đang có những “cơn sóng ngầm”, do đó họ sẽ còn ngần ngại khi tăng tỷ trọng vào kênh chứng khoán.
Một yếu tố rất quan trọng khác cần lưu ý là xu hướng tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng đang là kênh thu hút nguồn tiền lớn nhất. Thời kỳ đáy của lãi suất đã qua từ lâu và với việc nền kinh tế đang dần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, việc lãi suất tiếp tục tăng là tất yếu.
Về các yếu tố thuận lợi, quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Điều này được thể hiện trong mức tăng trưởng GDP vượt kỳ vọng trong quý II và được tái xác nhận bằng kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết. Trước đó, trong quý IV/2023 và quý I/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng đã ghi nhận tín hiệu tăng trưởng khả quan.
Yếu tố thứ hai là định giá hấp dẫn. Tính đến hết ngày 26/8, hệ số P/E của VN-Index ở mức 13,98 lần, tương ứng với tỷ suất sinh lời trên sàn HoSE ở mức 7,2%/năm, cao hơn đáng kể mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức khoảng 5-6%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Thứ ba, tỷ lệ margin vẫn ở trong mức an toàn và còn nhiều dư địa để gia tăng. Thống kê của Đầu tư Tài chính cho thấy, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II/2024 của 9 công ty chứng khoán hàng đầu (bao gồm: TCBS, SSI, VND, VPS, VPBankS, VIX, SHS, HCM, VCI) trung bình ở mức 85%, thấp hơn rất nhiều giới hạn 200%. Đáng chú ý, chỉ có 2 công ty chứng khoán là VPS và HCM vượt 100%, còn lại dao động từ 33% đến 100%.
Thứ tư, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến. Nguồn cung ngoại tệ về cơ bản vẫn tích cực khi cán cân thương mại thặng dư 14 tỷ USD trong 7 tháng hay dòng vốn FDI giải ngân được 12,5 tỷ USD.
Thứ năm, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư đang dần được cải thiện sau khi thị trường tạo đáy và hồi phục nhanh chóng. Đơn cử trong phiên 16/8, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE đã tăng gấp đôi so với phiên liền trước và vượt mốc 20.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, “tương quan lực lượng” giữa các yếu tố thuận lợi và không thuận lợi đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá cân bằng. Một số yếu tố trong trạng thái “chờ”, nghĩa là không tiêu cực nhưng cũng chưa tích cực, có thể kể đến yếu tố khối ngoại bán ròng.
Việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và kỳ vọng FED giảm lãi suất đã khiến khối ngoại giảm tốc bán ròng trong tháng 7 và bước sang nửa đầu tháng 8 quay lại mua ròng trong khá nhiều phiên. Thống kê trong nửa đầu tháng 8 trên sàn HoSE cho thấy trong số 11 phiên giao dịch, có tới 6 phiên khối ngoại mua ròng. Với 5 phiên khối ngoại bán ròng, có 1 phiên chỉ bán ròng chưa tới 1 tỷ đồng. Mặc dù tổng kết lại, khối ngoại vẫn bán ròng trong nửa đầu tháng 8 nhưng đây vẫn là những tín hiệu tích cực cho thấy trước mắt, thị trường chứng khoán không còn chịu áp lực lớn từ khối ngoại và mở ra khả năng khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tương lai.
Ngoài ra, diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới cũng đang là ẩn số đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là sau giai đoạn giảm mạnh rồi nhanh chóng phục hồi trong trung tuần tháng 8. Thêm vào đó, kỳ vọng có tín hiệu tích cực trong việc nâng hạng thị trường trong đợt đánh giá sắp tới của FTSE Russell cũng là một ẩn số có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tựu trung, khó có thể trông đợi từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện “sóng lớn”. Nếu kịch bản “sóng nhỏ” tiếp tục lặp lại, nhà đầu tư cần đặt kỳ vọng nhỏ để giữ lại lợi nhuận tích luỹ được, thay vì bị lấn át bởi lòng tham để rồi mất đi thành quả khi thị trường chuyển trạng thái sang suy giảm.