Thị trường toàn cầu 'đỏ lửa', Fed hành động khẩn cấp?

Các nhà giao dịch đang đặt cược rằng Mỹ sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo do lo ngại suy thoái.

Thị trường toàn cầu hoảng loạn

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 12% trong phiên 5/8, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong lịch sử, khi các nhà giao dịch bán tháo cổ phiếu châu Á và châu Âu vì lo ngại về sự suy thoái của Mỹ.

Thị trường đang gia tăng dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất khẩn cấp trước cuộc họp tiếp theo theo lịch trình vào giữa tháng 9, đây có thể là quyết định đầu tiên ngoài chu kỳ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020.

Thị trường đang tăng cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trước cuộc họp dự kiến ​​tiếp theo vào giữa tháng 9 (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)
Thị trường đang tăng cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trước cuộc họp dự kiến ​​tiếp theo vào giữa tháng 9 (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

“Thị trường hoảng loạn sau báo cáo việc làm của Mỹ vào cuối tuần trước”, ông Andrzej Szczepaniak, một nhà kinh tế tại Nomura, cho biết và nói thêm rằng hiện tại các nhà giao dịch đang dự đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất khẩn cấp là 60%.

Thị trường bắt đầu lao dốc vào phiên cuối tuần trước sau khi báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ xác nhận nỗi lo về sự suy thoái kinh tế tại Mỹ. Chỉ số S&P 500 (chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ) đóng cửa giảm 1,8%, trong khi Nasdaq 100 (thiên về công nghệ) mất 2,38%, chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 5.

Đợt bán tháo lan sang châu Á và châu Âu vào phiên đầu tuần này. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên giao dịch 5/8 thấp hơn 12,4% so với cuối tuần trước, trong khi chỉ số Stoxx600 toàn châu Âu giảm khoảng 2%.

Ngoài khả năng Fed có thể hạ lãi suất khẩn cấp, thị trường hiện đang dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là một trong số ít ngân hàng trung ương lớn giữ nguyên mức lãi suất cao kể từ khi các nền kinh tế lớn bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ sau lạm phát cao hậu đại dịch.

Nếu không có động thái giảm lãi suất khẩn cấp nào trước cuộc họp ngày 17-18/9, Fed gần như chắc chắn sẽ có quyết định bắt đầu hạ lãi suất vào thời điểm đó nhưng ông Kyle Chapman, nhà phân tích thị trường ngoại hối tại Ballinger Group, cho rằng không cần phải thực hiện hành động khẩn cấp.

"Những khoản đặt cược lớn vào việc Fed cắt giảm lãi suất giữa các cuộc họp là một tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà giao dịch đang quá sợ hãi. Chắc chắn đã đến lúc Fed phải cắt giảm vào tháng tới, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa sụp đổ",nhà phân tích này nhấn mạnh thêm.

Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu nới lỏng lãi suất, họ cảnh báo sẽ không có sự nới lỏng nhanh chóng, cũng như không quay trở lại mức lãi suất gần bằng 0 của thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính.

ECB đã hạ lãi suất vào tháng 6, từ 4% xuống 3,75%, nhưng giữ nguyên vào tháng 7. Ngân hàng này cảnh báo rằng vẫn chưa có con đường chắc chắn nào để nới lỏng chính sách hơn nữa.

Tuần trước, Ngân hàng Anh đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất đầu tiên, cho biết nền kinh tế Anh đã đủ nguội để nới lỏng chính sách tiền tệ một cách khiêm tốn, nhưng cảnh báo rằng họ sẽ thận trọng "không cắt giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá nhiều".

Nỗi sợ thái quá?

Báo cáo việc làm cuối tuần trước cho thấy hiệu suất tuyệt vời của nền kinh tế Mỹ trong hai năm qua có thể sắp kết thúc vì tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm trong khi các công ty nhanh chóng giảm tốc độ tuyển dụng.

Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,5% tại cuộc họp gần đây nhất vào ngày 31/7, mặc dù Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế nước này đang chậm lại.

Và thị trường lo ngại rằng động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào giữa tháng 9 có thể là quá muộn để cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ rơi vào suy thoái.

Chiến lược gia ngoại hối Chris Turner của ING cho biết: "Các tài sản rủi ro toàn cầu tiếp tục điều chỉnh mạnh vì các nhà đầu tư lo ngại rằng đã quá muộn để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nới lỏng chính sách".

Tuy nhiên, ông Szczepaniak cho biết những dự đoán hiện tại về việc Fed sẽ hạ lãi suất khẩn cấp có vẻ chưa thực sự cần thiết khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh.

“Nếu bạn nhìn vào nền kinh tế Mỹ, nó vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP quý II bất ngờ tăng lên và mức tiêu dùng hộ gia đình vẫn ở mức lành mạnh mà không có dấu hiệu chậm lại đáng kể”, ông Szczepaniak giải thích.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ở mức 2,8% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến khác.

Việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp hiếm khi được áp dụng. Trong những thập kỷ gần đây, Fed đã sử dụng chúng vào năm 2001 sau vụ tấn công ngày 11/9, và trong bối cảnh bong bóng cổ phiếu công nghệ nổ tung cùng năm đó, và sau đó một lần nữa vào tháng 3/2020 trong đại dịch Covid-19.

Hải Đăng

Theo VietnamFinance