Thị xã sẽ trở thành thành phố thứ 2 của địa phương được mệnh danh là 'vương quốc resort' của cả nước

Theo quy hoạch, thị xã này đến năm 2023 sẽ trở thành thành phố và nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ nâng cấp thành đô thị loại II.

Thị xã La Gi là đô thị ven biển, cửa ngõ kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tính đến năm 2023, La Gi có quy mô diện tích đô thị là 18.538,2ha, dân số hiện trạng là 109.120 người; trong đó dân số khu vực nội thị là 66.218 người, nông thôn 42.902 người.

Thời gian qua, thị xã La Gi đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Điều này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong xu thế dịch chuyển hiện nay, thị xã luôn là một trong những địa phương của tỉnh có nhiều tiềm năng hấp dẫn để đón nhận dòng vốn dịch chuyển đó.

UBND thị xã cho biết, năm 2023, thị xã La Gi đã chỉ đạo phân khai, công khai kế hoạch vốn cho từng dự án, công trình ngay từ đầu năm, đồng thời giao trách nhiệm cho các chủ đầu tư thực hiện quản lý điều hành dự án cam kết đảm bảo kết quả giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Tổng nguồn vốn đầu tư công ghi kế hoạch đến nay là 226.477 triệu đồng, bằng 96,26% so với cùng kỳ. Tổng giá trị khối lượng ước thực hiện năm 2023 là 277.005 triệu đồng, bằng 87,90% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân ước thực hiện năm 2023 là 224.014 triệu đồng, đạt 98,91% kế hoạch vốn, bằng 95,43% so với cùng kỳ.

Thị xã đã tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tính từ đầu năm đến nay, có 6 dự án được tỉnh lấy ý kiến đầu tư vào thị xã, với tổng vốn đăng ký 696 tỷ đồng, diện tích 28,57ha; có 3 dự án được cấp chủ trương đầu tư với diện tích sử dụng đất là 38,9ha, tổng vốn đầu tư 68,9 tỷ đồng; địa phương đã thường xuyên thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Toàn cảnh thị xã La Gi
Toàn cảnh thị xã La Gi

Bên cạnh đó, theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 cũng xác định đến năm 2030, thị xã La Gi phấn đấu trở thành TP. La Gi và trong kỳ quy hoạch tỉnh, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II.

Ngoài ra, giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ triển khai thực hiện việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã La Gi.

Theo đó, thị xã La Gi là đô thị động lực của tỉnh; là hạt nhân, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng; tạo động lực lan tỏa và sức hút phát triển cho các huyện và đô thị lân cận.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, trong thời gian đến, để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu nêu trên, La Gi cần thực hiện một số công tác như điều chỉnh quy hoạch chung thị xã La Gi, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị La Gi; nghiên cứu phát triển đô thị tổng hợp, trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hàm Tân - La Gi; phát triển du lịch sinh thái biển (Ngảnh Tam Tân, Đồi Dương - Hòn Bà, bãi biển Cam Bình, khu lâm viên kết hợp du lịch sinh thái Rừng Dầu...), du lịch văn hóa lịch sử (Dinh Thầy Thím, Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na (Hòn Bà)...); phát triển chế biến thủy hải sản và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp.

Được biết, tỉnh Bình Thuận cũng được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận dự kiến đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới để thu hút thêm du khách. Mới đây, tỉnh đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế đêm nhằm tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho ngành du lịch.

Theo báo Bình Thuận, đến năm 2020, địa bàn tỉnh có 387 dự án resort đang hoạt động, với tổng diện tích đất 6.249ha và tổng vốn đầu tư 69.845 tỷ đồng.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống