Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nợ xấu xu hướng gia tăng, lãi suất khó giảm thêm

Thống đốc NHNN thừa nhận nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tương tự gần bằng mức cuối 2023, tăng 2% so với 2022.

Nợ xấu tăng cao

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 11/11, nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, công tác quản lý về thị trường vàng, ngoại hối, công tác hỗ trợ vay vốn,… đã được các đại biểu đưa ra chất vấn.

Đáng chú ý, vấn đề nợ xấu tăng cao nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Cụ thể, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đặt vấn đề: “Hiện nay vấn đề nợ xấu tăng cao được đề cập trong báo cáo Chính phủ. Thống đốc Ngân hàng đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu, và giải pháp giải quyết vấn đề này. Nếu không giảm nợ xấu, việc điều hành chính sách tiền tệ có khó khăn gì?”

Bên cạnh đó, cũng có đại biểu lo ngại việc đẩy mạnh tín dụng sẽ tăng nguy cơ nợ xấu, từ đó ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn ngành kinh tế nói chung.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN thừa nhận nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tương tự gần bằng mức cuối 2023, tăng 2% so với 2022.

Toàn cảnh phiên chất vấn.
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Theo đại diện NHNN, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng cao là do từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 tác đông nghiêm trọng mọi mặt kinh tế xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn khiến cho việc trả nợ ngân hàng gặp khó khăn. Gần đây bão Yagi cũng đã gây ra thiệt hại nặng nề. Theo khảo sát của NHNN, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại 26 tỉnh thành phố lên tới 190.000 tỷ đồng.

Để kiểm soát nợ xấu, các tổ chức tín dụng khi cho vay cần thẩm định đánh giá kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng với khoản vay mới. Đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu, đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản. Về phía NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VMC, các công ty mua bán nợ tham gia xử lý nợ xấu, bà Hồng cho biết.

Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) đặt vấn đề: NHNN có giải pháp gì để tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Sau thời gian thắt chặt, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động mạnh, có giảm vào tháng 9/2024 nhưng sau đó tăng rất mạnh vào tháng 10. Áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm.

“Nếu NHNN giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng", lãnh đạo NHNN nói.

Ngoài lý do tỷ giá, NHNN đánh giá việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn bởi lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua; nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất.

“Việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng. Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước, cho nên chúng tôi tiếp tục theo dõi", bà Hồng cho hay.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoản vay bị thiệt hại do bão

Liên quan đến chất vấn về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão Yagi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN đã chỉ đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

“Với khách hàng vay vốn chịu tác động cơn bão, NHNN đang quá trình hoàn thiện bước cuối cùng ban hành thông tư mới để cơ cấu lại khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội với tổng giá trị là 40 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Đồng thời NHNN tổ chức hội nghị, chỉ đạo các tổ chức tính dụng cân nhắc xem xét cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra các gói tín dụng. Đến nay, có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như là các khoản lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi hơn”, bà Hồng thông tin.

Tính đến ngày 31/10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng và hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp, vừa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Hệ thống TCTD đã dành chính nguồn lực tài chính của mình để giảm 50.000 - 60.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho khách hàng.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance