Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 ngày 8/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Năm 2024 sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.

Thông tin cụ thể về hoạt động ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Lạm phát thế giới đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), đồng Đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu… là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong bố cảnh đó, điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và NHNN đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

"Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam", thống đốc nhấn mạnh.

Điểm nhấn lớn nhất trong 2023 là chính là 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của NHTM giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền.

Trong 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được triển khai để cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5%. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro - Ảnh 1

Điểm lại những kết quả 2023, Thống đốc nhấn mạnh: góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch covid-19; VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giả khoảng 2,9%".

Nói về 2024, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

"Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro", Thống đốc nhấn mạnh

Một trong những nhiệm vụ trong tâm được Thống đốc đề cập là thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Mai Anh

Theo VietnamFinance