Thống đốc ra tay, cả thị trường chờ diễn biến mới
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm lãi suất điều hành lần 4, với mức giảm 0,25-0,5%/năm. Quyết định trên nhận được những tín hiệu rất tích cực từ thị trường. Vậy động thái này của NHNN sẽ tác động ra sao đối với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế?
Giải pháp linh hoạt
Theo NHNN, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Quyết định của NHNN trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, NHNN cho hay vẫn không chủ quan với áp lực lạm phát (lạm phát cơ bản hiện vẫn khá cao, bình quân 5 tháng đầu năm 2023 là 4,83%) trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao.
Vì vậy, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
'Quá lo về lạm phát mà siết hỗ trợ tăng trưởng là rất không nên'
Chuyên gia kinh tế TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, đánh giá: Quyết định lần thứ tư giảm lãi suất đã được NHNN cân nhắc tới nhiều yếu tố như lạm phát, thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
Chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng; giúp các TCTD có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các TCTD.
Lãi suất giảm (đối với cả nợ cũ và vay mới) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Hơn nữa, động thái chính sách này tiếp tục cho thấy thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới.
Thêm nữa, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản khi mà nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn.
Trước lo ngại về hạ lãi suất sẽ khiến lạm phát tăng lên, TS. Lực cho rằng, vấn đề này không quá đáng lo. Năm nay, lạm phát và giá cả trên thế giới đang giảm, đỡ áp lực hơn nhiều so với năm ngoái, tỷ giá cũng tương đối ổn định. Đặc biệt, sức cầu trong nền kinh tế hiện rất yếu, khi sức cầu khoẻ, tăng nhanh thì thị trường mới chấp nhận giá hàng hoá cao nhưng hiện nay, sức cầu yếu và hàng tồn kho nhiều nên giá cao hơn một chút người dân sẽ không mua.
Chỉ tiêu lạm phát năm nay được Chính phủ đề ra là 4,5% trong đó đã tính đến các tác động về tăng lương, tăng giá điện nên ngay khi áp dụng các chính sách mới cũng không quá đáng ngại về lạm phát. "Việc quá lo về lạm phát mà siết hỗ trợ tăng trưởng là rất không nên", TS. Lực nói.
Tác động “kép” tới nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, đây còn là chỉ dấu rất rõ nét của NHNN tới ngân hàng thương mại và nền kinh tế rằng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nguồn lực trong nền kinh tế tương đối tốt, phía ngân hàng có thể an tâm huy động vốn trong dân cư, còn doanh nghiệp người dân cũng có thể an tâm vay và sử dụng vốn có hiệu quả.
Quyết định giảm lãi suất lần này của NHNN nhanh hơn so với dự báo. Hy vọng rằng, tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ mạnh hơn, tác động lan tỏa nhanh hơn. Từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét: quyết định giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng: Giảm lãi suất là một động thái rất tích cực của NHNN. Đây là mong muốn của người dân, doanh nghiệp, thông qua đó cũng góp phần kích cầu tăng trưởng tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, lãi suất không phải là tất cả mà xuất phát từ nhu cầu của chính doanh nghiệp, đó mới là yếu tố quyết định nhất. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải cầm chừng sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Còn ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết: Động thái giảm lãi suất của NHNN lần thứ tư liên tiếp chắc chắn sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, từ đó chi phí vốn vay của doanh nghiệp sẽ được giảm. Đặc biệt, đây là giảm lãi suất điều hành, không phải một vài ngân hàng giảm lãi suất đơn lẻ, điều này sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng của chúng tôi là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. Đây có thể thấy là một tác động “kép” tới nền kinh tế, là một quyết định rất đúng đắn.
Thời gian qua, ngành ngân hàng có rất nhiều động thái tích cực để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, hàng loạt ngân hàng đã tiết giảm chi phí, cắt những khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này, khi lãi suất giảm để tìm những thị trường, bạn hàng mới, tiềm năng, vượt qua khó khăn.