Thủ tướng: 'Đất trong tay, tiền có thể huy động, nhưng NƠXH vẫn rất chậm'
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng mặc dù chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra từ lâu, nhưng hiệu quả triển khai vẫn còn hạn chế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chiều 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng mặc dù chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra từ lâu, nhưng hiệu quả triển khai vẫn còn hạn chế.
Hoan nghênh một số địa phương vừa qua đã khởi công các dự án nhà ở xã hội lớn, song Thủ tướng trăn trở: "Đất trong tay chúng ta, tiền có thể huy động, cơ chế, chính sách, thủ tục do ta mà việc xây dựng nhà ở xã hội không chuyển biến hoặc chuyển biến rất chậm".
Ông khẳng định nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn, vì vậy các cơ quan chức năng cần đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết vấn đề một cách thực chất. Đặc biệt, các địa phương đã được giao chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lấy con người làm trung tâm, bởi mọi chính sách phát triển đều phải hướng đến lợi ích của nhân dân.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm, bao gồm: tính phù hợp của chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách cần tháo gỡ, phương thức huy động nguồn lực, thiết kế và khả năng sản xuất nhà ở xã hội hàng loạt, cũng như cách thức triển khai quy hoạch, giao đất và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ông lưu ý rằng mặc dù một số rào cản về thể chế đã được giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được xử lý ngay tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thủ tướng cũng gợi ý về việc tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội nhằm tạo ra các mẫu nhà phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và khí hậu của từng vùng miền, đồng thời đảm bảo nhà ở xã hội có thiết kế khang trang, tiện nghi. Ông cũng đề xuất nghiên cứu áp dụng công nghệ lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép để xây dựng nhà ở xã hội, giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công.
Về nguồn lực, Thủ tướng đề cập một số giải pháp đã và đang được triển khai như thành lập quỹ nhà ở quốc gia; giải ngân gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội mà không tính vào 'room' tín dụng của các ngân hàng…
Đặc biệt, về thủ tục, Thủ tướng cho rằng cần tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi doanh nghiệp làm một cách nhanh chóng, cắt giảm thủ tục, với tinh thần vì dân, vì nước.
Thủ tướng đặt vấn đề: Các doanh nghiệp chưa làm vì sao, phải chăng vì chính quyền chưa dám giao việc? Có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp, không cần qua đấu thầu được không, miễn là bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí? Nếu đấu thầu thì phải bảo đảm thực chất, không hình thức, không quân xanh, quân đỏ, tránh tình trạng quy trình rất dài, tốn thời gian mà không mang lại điều gì cả.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đồng hành, hỗ trợ nhà thầu, không để họ cô đơn trên công trường; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, phát huy nghệ thuật "chiến tranh nhân dân", ai có gì giúp nấy để tạo sức mạnh tổng hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy", không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.
Nhà ở xã hội phải đầy đủ điều kiện hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, xã hội, môi trường…) như nhà ở thương mại, nhưng chỉ khác là nhà nước có các chính sách hỗ trợ. Nhà ở xã hội phải có hình thức mua và thuê mua.