Thủ tướng: 'Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội càng kéo dài thì càng đội vốn'
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, không để tiếp tục kéo dài, bởi càng kéo dài thì càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi đi kiểm tra hiện trường công tác thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội).
Dự kiến vận hành vào tháng 6
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hiện dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng hơn 77%, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đã đạt 99,7%; dự kiến vận hành vào tháng 6/2024.
Với đoạn ngầm hiện đạt tiến độ khoảng 40%, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm trong quý II/2024.
Ga ngầm S12 là ga sâu nhất trong số 4 ga ngầm của tuyến metro, với thiết kế 3 tầng hầm, điểm sâu nhất nằm 35 m dưới mặt đường. Các ga ngầm còn lại chỉ có 2 tầng, sâu 29 m. Ga ngầm S12 đang nằm trên "đường găng" tiến độ của dự án, nếu chậm sẽ kéo cả dự án chậm theo.
Trên công trường, Thủ tướng đã trao đổi với đại diện TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án, nhà thầu, chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, công nhân… về việc triển khai dự án; đặc biệt Thủ tướng tìm hiểu kỹ đánh giá của chuyên gia nước ngoài về chất lượng kỹ sư, công nhân Việt Nam, các biện pháp để thúc đẩy tiến độ dự án…
Thủ tướng hoan nghênh các nhà thầu đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của dự án với Hà Nội, cũng như hiện trạng dự án, từ đó xác định rõ trách nhiệm, tăng cường nhân lực, máy móc để thi công xuyên Tết.
Thủ tướng cho biết, dự án đã kéo dài, do đó Chính phủ rất quan tâm vấn đề đẩy nhanh tiến độ, không để tiếp tục kéo dài, bởi càng kéo dài thì càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp.
Về chất lượng, Thủ tướng cho rằng địa chất tại khu vực dự án tương đối phức tạp, cần nghiên cứu để xử lý tốt các vấn đề liên quan. Mặt khác, dự án có mặt bằng thi công hẹp, nên khi thi công càng cần bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, tính toán công việc khoa học, hợp lý.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm với các dự án metro, nên phải thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài, do đó mong được phía nước ngoài quan tâm chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà tư vấn, nhà thầu thiết kế, thi công tăng cường phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tiếp tục huy động nhân lực, máy móc làm việc xuyên lễ, xuyên Tết với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Chính phủ, các cơ quan liên quan và Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy dự án.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi công việc, đời sống, tâm tư nguyện vọng, hoan nghênh tinh thần làm việc của các cán bộ, công nhân trên công trường và mong muốn các cán bộ, công nhân cố gắng làm tốt hơn, nhanh hơn để bù lại tiến độ đã mất vì dịch bệnh COVID-19 và nhiều lý do khác, song lưu ý phải bảo đảm an toàn là trên hết.
Nguyên nhân đội vốn, chậm tiến độ?
Theo kết luận thanh tra một số nội dung tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nguyên nhân việc dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian là do công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công bị chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cùng với đó, năng lự triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở ngành thành phố liên quan còn nhiều hạn chế...
Đối với việc giám sát, sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện tại dự án đối với gói thầu CP01 và CP02, Thanh tra TP. Hà Nội cho biết việc quản lý nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ của Ban Quản lý Đường sắt đô thị (QLĐSĐT) cơ bản thực hiện đúng theo hợp đồng của chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu và quy định của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ tài liệu do Ban QLĐSĐT cung cấp về việc lập thẩm định, phê duyệt dự toán và việc ký hợp đồng điều chỉnh giá giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu PC02, Thanh tra TP. Hà Nội cho rằng, tại thời điểm điều chỉnh giá gói thầu CP01 và gói thầu PC02, chủ đầu tư chưa thực hiện việc lập dự toán điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, hệ số điều chỉnh hoặc phương pháp điều chỉnh bằng chỉ số giá xây dựng theo quy định dẫn tới việc thanh toán, quyết toán gói thầu CP01, CP02 chưa chính xác.
Cũng theo kết luận thanh tra, về công tác GPMB thực hiện dự án, UBND các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm cơ bản đã thực hiện trình tự thủ tục GPMB bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định, cũng như chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, về tiến độ thời gian GPMB còn chậm.
Trong đó, Thanh tra chỉ rõ, UBND quận Đống Đa ban hành thông báo thu hồi đất năm 2012 và bàn giao mặt bằng (ga S10,11) từ năm 2016-2022 mới xong. Cùng ban hành thông báo thu hồi đất năm 2013 nhưng UBND quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng (ga S12) từ năm 2017-2019 mới xong, còn UBND quận Ba Đình bàn giao mặt bằng (ga S9) từ năm 2016-2022.
"Việc này chưa thực hiện đúng về thời gian theo quy định cũng như tiến độ GPMB theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội", kết luận thanh tra nêu rõ và cho rằng trách nhiệm thuộc về UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan trong công tác chậm GPMB để thực hiện dự án qua từng thời kỳ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, 1 depot và 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm), sử dụng vốn vay ODA. Giữa năm 2023, dự án này đã được Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009-2022 thành từ năm 2009-2027; đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh, gồm: vốn vay ODA tương đương hơn 24.781 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á là hơn 374 triệu USD; vốn vay Cơ quan phát triển Pháp gần 159 triệu Euro; vốn vay Ngân hàng Đầu tư Châu Âu là 125,5 triệu Euro; vốn vay Chính phủ Pháp hơn 355 triệu Euro) và vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội là hơn 10.000 tỷ đồng.