Thương vụ chuyển nhượng Astral City dự kiến đem về 3.350 tỷ cho Phát Đạt; dự kiến tung ra thị trường 12.000 sản phẩm với giá trị 32.000 tỷ
Ngoài các dự án mà Phát Đạt đang nắm giữ tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hiện đơn vị nay đang tích cực săn tìm thêm nhiều quỹ đất mới thuộc các tỉnh ven biển như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định…đây là những thị trường tiềm năng nhưng hiện nay còn nhiều dư địa phát triển.
Tại buổi gặp gỡ các nhà phân tích mới đây, đại diện CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE:PDR) cho biết trong tháng 6, Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL, đơn vị sở hữu trực tiếp dự án Astral City tại Bình Dương. Dự kiến, thương vụ này sẽ mang về cho Phát Đạt số tiền mặt 3.350 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận trong quý 3 và 4 năm 2022.
Về lý do chuyển nhương, bà Trần Thị Hường, Phó chủ tịch HĐQT cho biết, từ tháng 4/2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều rào cản trong việc huy động vốn, khi vốn tín dụng bị kiểm soát, thị trường trái phiếu nhiều thay đổi. Phát Đạt cũng chịu ảnh hưởng chung. Do đó, công ty tính đến phương án chuyển nhượng dự án này để nhận về ngay dòng tiền mặt lớn không dễ có trong thời điểm hiện tại và tiếp tục đầu tư các dự án tiềm năng khác.
Bà Hường thông tin: “Việc chuyển nhượng này hứa hẹn đảm bảo cho Phát Đạt hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.635 tỷ đồng trong năm nay, cùng với việc bán sản phẩm cao tầng phân khu số 4 dự án Nhơn Hội (Bình Định) và một số dự án nhỏ lẻ khác”.
Tiến hành M&A hàng loạt dự án và mở rộng quỹ đất
Song song với việc chuyển nhượng dự án, Phát Đạt cũng đặt mục tiêu M&A hàng loạt dự án lớn. Một trong những dự án M&A phải kể đến là dự án 197 Điện Biên Phủ, TP.HCM, HĐQT Phát Đạt đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của các cổ đông tại CTCP Địa ốc Hòa Bình, một thành viên của Thanh Yến Group của vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Sau giao dịch, Phát Đạt sẽ trở thành công ty mẹ của Địa ốc Hòa Bình và có toàn quyền quyết định tất cả việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM với diện tích đất khoảng 4.233 m2.
Ngoài ra, đại diện Phát Đạt cho biết trong 2 - 3 tháng tới sẽ công bố nhiều dự án khác. Chiến lược của Phát Đạt là liên tục tấn công, sẵn sàng bán dự án nếu chọn lựa được các dự án mới có hiệu quả cao hơn dự án hiện tại. Phát Đạt cũng cho biết ngoài TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hiện doanh nghiệp này đang "săn" tìm thêm các quỹ đất thuộc các tỉnh ven biển như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định...
Hiện Phát Đạt có khoảng 7.500 ha quỹ đất tập trung tại TP HCM, Đồng Tháp, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…Trong đó phần lớn dành cho các dự án nhà ở và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch lấn sang các dòng sản phẩm mới như thương mại, logistics, bất động sản khu công nghiệp...
Theo Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Phát Đạt, doanh nghiệp chia quỹ đất theo tiêu chí sẵn sàng và chưa sẵn sàng phát triển. Quỹ đất sẵn sàng là đủ điều kiện xin giấy phép xây dựng, thực hiện dự án. Còn quỹ đất chưa sẵn sàng là tiếp tục phải làm các thủ tục pháp lý. Ở Phát Đạt, trong số 7.500 ha kể trên, quỹ đất đã sẵn sàng phát triển dự án chiếm tỷ lệ lớn, đủ để phát triển trong 5-10 năm tới.
Với mảng BĐS khu công nghiệp (KCN), nhận định đây là phân khúc tiềm năng trong giai đoạn tới Phát Đạt đầu tư thông qua công ty con với tỷ lệ sở hữu 68%. Quỹ đất KCN của công ty trải dài từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Quốc…Tất cả quỹ đất này đều trong quy hoạch của tỉnh và đang được tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Dự kiến đưa ra thị trường trên 12.000 sản phẩm
Dòng tiền do tái cơ cấu danh mục đầu tư - chuyển nhượng dự án được tái đầu tư vào việc phát triển số lượng lớn sản phẩm mới ra thị trường trong năm 2022 & năm 2023. Riêng năm 2022, PDR dự kiến triển khai ra thị trường số lượng sản phẩm lớn (trên 12.000 sản phẩm) với giá trị sản phẩm dự kiến 32.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự kiến dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu mang về 12.000 tỷ, các dự án ở Bình Dương 17.000 tỷ và dự án ở Bình Định 3.000 tỷ. PDR hoàn toàn có cơ sở để tự tin đạt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đề ra là 3.635 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2023, Phát Đạt cũng đã chuẩn bị kế hoạch đưa ra thị trường số lượng sản phẩm lớn hơn năm 2022 đến từ các dự án ở Đà Nẵng, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.700 tỷ đồng. Kết quả này có được dựa trên chiến lược phát triển bền vững kết hợp việc cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung phát triển quỹ đất chiến lược và tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Hiện hàng tồn kho của Phát Đạt khoảng 13.106 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 56% tổng tài sản.Trong đó, loại trừ EverRich 2 và 3 (đã nhận tiền của đối tác, đang hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng), các dự án chiếm phần lớn tồn kho là Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower, Phước Hải. Công ty cho biết những dự án này dự kiến năm 2022 - 2023 sẽ được giới thiệu ra thị trường, thu về khoảng 33.000 tỷ đồng doanh số.
Những điều trên đã cho thấy, PDR đã có những bước chuẩn bị mang tính sẵn sàng để duy trì chỉ số tài chính khỏe mạnh và đảm bảo dòng tiền liên tục. Trong kế hoạch 2019-2023, PDR có lũy kế lợi nhuận trước thuế ước đạt 14.270 tỷ đồng và doanh nghiệp đang có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Trước đó, năm 2021, PDR cũng hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra với lợi nhuận trước thuế đạt 2.344,4 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 1.539 tỷ đồng và năm 2019 đạt 1,105 tỷ đồng. Giai đoạn 2019-2021 chứng kiến tốc độ tăng trưởng tốt của Phát Đạt với tỉ lệ lợi nhuận trên vốn sở hữu cao hơn so với trung bình ngành. Các chỉ số tài chính khỏe mạnh hiện tại cho thấy chiến lược kỷ nguyên mới của Phát Đạt sẽ tiếp tục bứt phá.