Tín dụng tăng chậm: doanh nghiệp sợ vay vốn, ngân hàng nóng ruột
Tín dụng tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn vì e ngại lãi suất cao. Việc khó khăn cho vay cũng gây áp lực cho ngân hàng khi huy động vốn cao mà không giải ngân được. Vì thế, ngoài việc hạ lãi suất thì còn cần thêm nhiều biện pháp nữa để khơi thông dòng vốn.
Nhu cầu vay vốn thấp, tín dụng chững lại
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới ngày 9/3, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,12% so với cuối năm 2022, hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Tốc độ tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2/2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.
Tín dụng khựng lại không phải do ngân hàng khát thanh khoản, khát room tín dụng như cuối năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. NHNN cũng vừa cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng thừa vốn nhưng lại không thể cho vay. Điều này phản ánh “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang suy kiệt.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tín dụng tăng trưởng thấp trong 2 tháng đầu năm cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sau Covid-19, không ít doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, không đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất tăng cao khiến họ e ngại vay vốn mới. Những doanh nghiệp khát vốn và chấp nhận vay bằng mọi giá là các doanh nghiệp bất động sản, song đây là lĩnh vực mà các ngân hàng hết sức thận trọng.
Thay vì vay thêm vốn, nhiều doanh nghiệp cố gắng xoay xở để tất toán bớt các khoản vay nhằm giảm áp lực tài chính.
Tại hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp của TP.HCM diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Theo các doanh nghiệp, lãi suất trung hạn trên 10% đang được áp dụng gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV phân tích, hiện nay, khó khăn của doanh nghiệp ngoài sức cầu giảm còn do khó tiếp cận vốn, lãi suất cao…
Các ngân hàng thường sẽ không cho vay với những dự án được đánh giá là rủi ro cao hoặc doanh nghiệp bị hạ xếp hạng đánh giá từ chính các ngân hàng hay doanh nghiệp bị chuyển nhóm nợ. Ngân hàng không thể hạ chuẩn khi cho vay, bởi cuối cùng rủi ro quay trở lại ngân hàng và ngân hàng phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sợ vay vốn vì ngại lãi suất cao.
Nhân viên tín dụng một số nhà băng, cho hay nhiều khách hàng muốn vay vốn đã phải chùn chân khi nghe về mức lãi suất hiện tại, khoảng 13-14%, thậm chí có thể lên 15-16%. Từ đầu năm tới nay, ít người đi vay mua nhà.
Khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, có 43% số doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Cùng với đó, có 41,2% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp; 30,1% doanh nghiệp gặp khó khi hàng tồn kho nhiều; 17,6% đối diện vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng.
Lãnh đạo một số ngân hàng tư nhân đánh giá, nhu cầu tín dụng năm nay dự báo khó khăn. Nguyên nhân là ngoài đơn hàng sản xuất sụt giảm thì thị trường bất động sản - lĩnh vực hút nhiều vốn nhất - vẫn chưa thoát đáy.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này có khả năng chậm lại.
Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tín dụng năm 2023 chỉ tăng từ 10-12% do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Giảm lãi suất, khơi thông nguồn vốn
Lãi suất cao ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng. Nhưng theo giới chuyên gia, lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tụchạ nhiệt.
Nhiều dự báo cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 1-2 lần nữa, sau đó sẽ bước vào chu kỳ giảm lãi suất vào cuối năm.
Tại Việt Nam, cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại. NHNN vừa quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành thêm 0,5-1%.
Từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã có 2 lần đồng thuận giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Dù lãi suất có xu hướng đảo chiều đi xuống nhưng lãi suất trung bình hiện nay vẫn cao hơn năm ngoái, gây nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi vay. Hiện lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng thương mại là 8 - 9%/năm, cao hơn so với mức trung bình năm 2022 tới 2%.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lãi vay hiện vẫn cao, chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động. Lãi suất cho vay chưa kéo giảm về được mức doanh nghiệp mong muốn. Để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân vay vốn, ngân hàng cần hạ lãi vay hơn nữa.
Để giảm lãi suất cho vay trở thành xu hướng và trên diện rộng, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng ngành ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Dù lãi suất đã hạ nhiệt nhưng nhiều yếu tố cho thấy, dòng tín dụng chưa thể sớm khai thông.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giảm lãi suất chỉ là biện pháp “cấp cứu” tạm thời. Để cứu được “con bệnh”, phải có thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, giải pháp khả thi nhất là đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tạo sức lan tỏa.
Giải pháp cần kíp tiếp theo là gỡ vướng thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể bán dự án, thanh lý tài sản, tạo dòng tiền. Đồng thời,, cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp do hiện nay quy định chặt như: thủ tục để vay vốn, sự chênh lệch lãi suất giữa các doanh nghiệp vay, việc định giá tài sản của doanh nghiệp các ngành còn nhiều bất cập... khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận nguồn vốn.