Tín dụng tăng đột biến: Số thực hay 'làm đẹp'?
Dù “khởi động” chậm chạp trong 2 tháng đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn cán mốc 6% trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là con số thực hay bản được “làm đẹp’ và diễn biến 6 tháng cuối năm sẽ ra sao?
Số “thực” hay số “đẹp”?
Tính đến ngày 30/6, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tháng không đồng đều khi tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%.
Nói cách khác, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng tới 3,6%, tương đương hơn 270.000 tỷ đồng được “bơm” ra nền kinh tế. Trong khi trước đó, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn rơi vào cảnh ảm đạm, chẳng hạn như tín dụng tại VPBank tăng 1,91%, tại VIB tăng 1,14% hay tại Agribank tăng 1,2%… tính đến cuối tháng 5/2024.
Việc mức tăng trưởng tín dụng của riêng tháng 6 đã cao hơn tổng tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm cộng lại đã đặt ra một số lo ngại tín dụng đang rơi vào tình trạng “no dồn” và các ngân hàng đang làm đẹp số liệu.
Chưa kể, dù tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã đạt mục tiêu đề ra nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), có tới 41% số doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn, buộc phải xử lý các khoản nợ đến hạn thay vì vay mới.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Mức độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm cũng như việc tăng trưởng tín dụng ‘nhảy vọt’ vào tháng 6 là điều phù hợp với diễn biến thông thường và không có gì đáng lo ngại”.
Ông lý giải: “Tăng trưởng tín dụng trong tháng 1, tháng 2 ì ạch là do yếu tố mùa vụ khi trùng với Tết Nguyên đán. Bước sang những tháng sau đó, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sôi động trở lại, kéo theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dần khởi sắc. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu có đơn hàng nhiều hơn và nhu cầu vay vốn tăng lên đáng kể. Từ đó, nhiều khoản vay và hơp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân mạnh vào tháng 6”.
Ngoài ra, NHNN cũng phát đi cảnh báo sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt, cố tình “ôm room” để chủ động tạo điều kiện cho những đơn vị có khả năng phát triển hơn. “Điều này đã ‘thúc’ các ngân hàng đẩy mạnh tốc độ giải ngân các khoản vay, góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng ‘phi mã’ trong thời gian ngắn”, ông nói.
Về phía các doanh nghiệp “than” khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nguyên nhân thực sự nằm ở chính doanh nghiệp. “Việc cấp tín dụng phụ thuộc phần lớn vào tình hình của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc cấp vốn. Ngược lại, khi xét duyệt vay tín chấp dựa trên dòng tiền hoặc dự án, doanh nghiệp cần chứng minh tính khả thi của dự án và dòng tiền ổn định. Ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích, vì bản chất của họ cũng là hoạt động kinh doanh và không thể mạo hiểm cho vay mà không có cơ sở thu hồi vốn chắc chắn”, ông nói.
Điều gì đang chờ ở 6 tháng cuối năm 2024?
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Nhận định về triển vọng của 6 tháng cuối năm 2024, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm nay hoàn toàn khả thi. “Nhìn lại năm 2023, tình hình chung có phần khó khăn hơn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 14%. Trong khi năm nay, triển vọng kinh tế được dự báo sẽ khả quan hơn, cộng với việc các ngân hàng tiếp tục được tái cơ cấu nợ đến hết năm 2024 nên không có lý do gì mà tăng trưởng tín dụng của năm nay không đạt mục tiêu đề ra”, ông nói.
Nhiều công ty chứng khoán cũng bày tỏ triển vọng tích cực về tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Theo đó, động lực cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay gồm có mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực. Ngoài ra, sự phục hồi rõ nét hơn của thị trường bất động sản từ cuối năm 2024 cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng đối với các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà.
Dù đánh giá tích cực như vậy, nhưng các chuyên gia VCBS dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ ở mức 12% - 13%, thấp hơn mục tiêu 15%.
Tương tự, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự phóng tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt mức 13% - 14% nhờ sự trở mình của hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước đã chạm đáy và sẽ tăng tốc trong các quý tới, đồng thời các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng tín dụng bất động sản.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm nay. Song, không phải bất động sản, các chuyên gia của MBS lại cho rằng tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô mới là những lĩnh vực có nhu cầu tín dụng cao hơn trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.
Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tích cực trong nửa cuối năm 2024 kéo theo những triển vọng lạc quan về ngành ngân hàng.
Trong báo cáo của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia phân tích cũng kỳ vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ được thúc đẩy bởi cầu tín dụng lĩnh vực bất động sản, sự hồi phục của các hoạt động sản xuất kinh doanh; qua đó hỗ trợ tái định giá P/B cho ngành ngân hàng về mức hợp lý hơn.
Cùng với đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa dự đoán ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024 với lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng dự kiến tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88.255 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh mẽ trong cuối năm 2024 khi đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đang trên đà đạt được mục tiêu còn một số khác lại gần như không có khả năng đạt được. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong khi thu nhập từ lãi gặp khó khăn có thể khiến biên lợi nhuận của một số ngân hàng bị co hẹp.