Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Tỷ lệ CASA tại Techcombank cao kỷ lục; VIB và ACB báo lãi năm 2021 tăng mạnh
Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: Lợi nhuận trước thuế của Techcombank vượt 1 tỷ USD, tỷ lệ CASA đạt mức cao kỷ lục vượt 50%;.VAMC mua thêm gần 21.000 tỷ đồng nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Đặc biệt, dù mạnh tay tríc...
Lợi nhuận trước thuế của Techcombank vượt 1 tỷ USD, tỷ lệ CASA đạt mức cao kỷ lục vượt 50%
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa cho biết lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 đạt hơn 1 tỷ USD (xấp xỉ 23.000 tỷ đồng), tương đương tăng khoảng 45% so với năm 2020. Đây là năm làm ăn hiệu quả nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, trong năm vừa qua, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37.100 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 42,4%, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020).
Cùng với đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7.800 tỷ đồng. Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3.600 tỷ và tăng trưởng 32,8%. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7%.
Mảng bảo hiểm của Techcombank tiếp tục có tăng trưởng cao, thu phí dịch vụ bảo hiểm tăng 88,4%, đạt 1.600 tỷ đồng. Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý IV tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 104,5% so với quý II, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam.
Ngân hàng cho biết chi phí hoạt động năm 2021 đã tăng 24,6%, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,1%. Các khoản đầu tư vào công nghệ và chi phí marketing bắt đầu tăng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, đồng thời tập khách hàng của cả Techcombank và TCBS đều tăng.
Trong khi đó, chi phí dự phòng chỉ tăng 2,1% so với năm trước với 2.700 tỷ đồng do ngân hàng chủ động trích trước đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021, thay vì phân bổ trong 3 năm với mức yêu cầu tối thiểu bắt buộc là 30% cho năm đầu.
Đáng chú ý, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng ghi nhận mức cao kỷ lục 50,5% với số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.
Năm 2021, VAMC mua thêm gần 21.000 tỷ đồng nợ bằng trái phiếu đặc biệt
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 nhằm đánh giá tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022.
Cụ thể, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 20.999 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 43,35% so với năm 2020.Mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) đạt 2.116 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 41,32% so với năm 2020.
VAMC cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu mua nợ bằng TPĐB, hoàn thành 88% kế hoạch mua nợ theo GTTT và ước đạt 83% kế hoạch xử lý nợ được NHNN giao.
Đặc biệt, 100% các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2021 hoàn thành vượt kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2020, cụ thể: chỉ tiêu doanh thu tăng 9,06% kế hoạch (tăng 99% so với năm 2020); chỉ tiêu lợi nhuận vượt 21,7% kế hoạch (tăng 36% so với năm 2020) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vượt 20% kế hoạch.
Mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, VIB và ACB vẫn báo lãi năm 2021 tăng mạnh
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Theo đó, năm 2021, nguồn thu chính tăng trưởng 39% so với năm trước, đem về hơn 11.816 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Thu nhập ngoài lãi đạt 3.075 tỷ đồng, cao gấp 1,13 lần năm trước.
Trong năm 2021, chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm 5.282 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tỷ lệ CIR qua đó giảm từ mức 40% hồi đầu năm xuống còn 35,5% tại thời điểm cuối năm.
Đáng nói, dù năm 2021 VIB dành ra hơn 1.598 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 69%. Mặc dù vậy, Ngân hàng vẫn ghi nhận lãi trước và sau thuế tăng 38% so với năm trước, đạt hơn 8,011 tỷ đồng và gần 6,409 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch 7.510 tỷ đồng lãi trước thuế được đặt ra cho cả năm 2021, VIB đã vượt 7% chỉ tiêu.
Tương tự, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong năm 2021 nhìn chung tăng trưởng hơn so với năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 30%, ghi nhận gần 18.945 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh so với năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 46%, đạt hơn 15,334 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2021, ACB dành ra hơn 3.336 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3,5 lần năm trước. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 25%, đạt hơn 11.998 tỷ đồng và gần 9.603 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch 10.602 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021, ACB đã vượt 13% chỉ tiêu.
LienVietPostBank chào bán hơn 24,4 triệu trái phiếu để tăng vốn trung và dài hạn
Từ ngày 24/01/2022, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức chào bán hơn 24.4 triệu trái phiếu, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu ra công chúng nhằm bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng quy mô vốn hoạt động của Ngân hàng và nhu cầu vay vốn trung dài hạn của Khách hàng.
Đây là đợt chào bán thứ hai được tiến hành ngay sau đợt thứ nhất vào đầu tháng 12/2021 vừa qua, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá của cả hai đợt chào bán là 4,000 tỷ đồng.
Trái phiếu chào bán trong cả hai đợt là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được bảo đảm bằng tài sản, không kèm chứng quyền, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của Tổ chức Phát hành. Trái phiếu được chia thành hai loại căn cứ theo kỳ hạn, 07 năm và 10 năm.
Lãi suất trái phiếu được tính theo phương thức lãi suất tham chiếu cộng biên độ. Trong đó lãi suất loại kỳ hạn 07 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 1.9%/năm và lãi suất loại kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2.2%/năm.
Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng Đồng Việt Nam, trả lãi sau, áp dụng cho kỳ hạn 12 (mười hai) tháng (hoặc tương đương) công bố tại trang thông tin điện tử chính thức của Các Ngân Hàng Tham Chiếu, bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank tại ngày xác định lãi suất.
Số lượng đặt mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 200 trái phiếu, đối với nhà đầu tư tổ chức là 10,000 trái phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua của đợt 2: Từ ngày 24/01/2022 đến ngày 28/02/2022.
Trái phiếu được phân phối trực tiếp tại các Chi nhánh/Phòng Giao dịch của LienVietPostBank và thông qua Đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).
Vietcombank niêm yết bổ sung hơn 1 tỷ cổ phiếu VCB
Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa cho biết 1,02 tỷ cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết bổ sung kể từ ngày 26/1/2022.
Tổng số cổ phần VCB niêm yết sẽ tăng từ khoảng 3,71 tỷ lên 4,73 tỷ đơn vị, xếp thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam, sau hai ngân hàng quốc doanh khác là BIDV (Mã: BID) và VietinBank (Mã: CTG).
Trong top 10 vốn điều lệ (cũng như số cổ phiếu lưu hành), các nhà băng có tới 6 đại diện.
Phiên 25/1, cổ phiếu VCB tăng 3% lên đỉnh lịch sử 95.800 đồng/cp. Vốn hóa đạt trên 453.000 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch 28/1/2021, cổ phiếu VCB dừng ở mức 89.000 đồng/cp, giảm 2,2% so với phiên giao dịch trước đó.
NHNN bơm gần 8.900 tỷ đồng vào thị trường từ đầu năm đến nay
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật, trong ngày 26/1, cơ quan này đã bơm gần 3.915 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Cụ thể, NHNN đấu thầu mua thành công 3.914,97 tỷ đồng giấy tờ có giá từ 3 thành viên tham gia, với kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%/năm. Trong hai phiên trước đó, NHNN cũng đã bơm ròng lần lượt hơn 970 và gần 2.940 tỷ đồng qua kênh OMO với lãi suất và kỳ hạn tương tự.
Như vậy, trong 3 phiên tính từ đầu tuần này, NHNN đã bơm ròng hơn 7.800 tỷ đồng vào hệ thống. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, quy mô trúng thầu lên tới gần 8.900 tỷ đồng.
Trước đó, trong ngày cuối cùng của năm 2021, NHNN đã đấu thầu mua thành công gần 10.000 tỷ đồng giấy tờ có giá với hai thành viên tham gia và trúng thầu, lãi suất 2,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Số tiền này đã đáo hạn và rút ra khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần 10/1 – 14/1.
Giai đoạn cuối năm cũ và đầu năm mới, kênh thị trường mở bắt đầu ghi nhận các giao dịch với quy mô lớn dần, sau một thời gian dài gần như không có động tĩnh.